Vi phạm xây dựng ở Phú Mỹ Hưng: xử lý từng trường hợp

Cập nhật 16/09/2010 08:30

Sở Tư pháp TP.HCM vừa có ý kiến về nguyên tắc xử lý vi phạm quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 ở khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Theo Sở Tư pháp, cần phải xác định thời điểm xảy ra hành vi vi phạm để áp dụng quy định xử lý.

Sở Tư pháp TP.HCM vừa có ý kiến về nguyên tắc xử lý vi phạm quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 ở khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Theo Sở Tư pháp, cần phải xác định thời điểm xảy ra hành vi vi phạm để áp dụng quy định xử lý.

Một căn nhà vi phạm quy hoạch xây dựng, sai so với thiết kế nhà mẫu - Ảnh: P.P.H.

Cụ thể: trường hợp vi phạm từ ngày 1-5-2009 (ngày nghị định 23 về xử phạt vi phạm xây dựng có hiệu lực) về sau thì áp dụng nghị định này và thông tư hướng dẫn để xử lý. Đối với trường hợp vi phạm trước ngày 1-5-2009 thì áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành trong giai đoạn này là nghị định 180, nghị định 126, nghị định 48 (những nghị định hướng dẫn về xử lý, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, quản lý nhà, quản lý hạ tầng…).

Trường hợp đã hết thời hiệu xử phạt thì áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Trường hợp công trình vi phạm xây dựng trước ngày 1-7-2004 (ngày Luật xây dựng có hiệu lực) mà phù hợp quy hoạch xây dựng nhưng chưa phù hợp về kiến trúc hoặc chưa phù hợp quy hoạch được duyệt thì áp dụng quyết định 39 của Thủ tướng (hướng dẫn điều 121 Luật xây dựng) để xem xét giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể.

Điều 2, quyết định 39 quy định: Công trình xây dựng đang tồn tại phù hợp với quy hoạch nhưng chưa phù hợp với các quy định về kiến trúc, cảnh quan khu vực như hình khối kiến trúc, số tầng; kiến trúc mặt đứng; cốt xây dựng nền, tầng 1, các tầng; phần cho phép nhô ra của bancông tầng 1, màu sắc, mái và các quy định khác thì được phép tồn tại theo hiện trạng. Trường hợp chủ công trình có nhu cầu cải tạo, nâng cấp, sửa chữa thì phải thực hiện theo đúng các quy định của Luật xây dựng và các quy định về kiến trúc, cảnh quan của khu vực.

Sở Tư pháp cũng lưu ý Ban quản lý Khu Nam nên kết hợp với UBND quận huyện, phường xã kiểm tra, lập hồ sơ, mỗi trường hợp phải kèm theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính (nếu có) biên bản, tài liệu kiểm tra, xử lý… Việc lập hồ sơ này làm cơ sở xác định hành vi, thời điểm vi phạm để áp dụng đúng quy định.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, phó tổng giám đốc Công ty Phú Mỹ Hưng, cho rằng trường hợp người dân xây nhà phù hợp với những tiêu chí do Phú Mỹ Hưng đưa ra theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và trước thời điểm công bố nhà mẫu thì không xem là vi phạm. Như vậy, số lượng nhà xây dựng vi phạm tại khu A không đến gần 800 căn như thống kê trước đó.

Ông Dũng cũng đề xuất tháo dỡ những phần nhà xây dựng vi phạm khoảng lùi trước khoảng lùi sau và số tầng cao vì những vi phạm này làm tăng hệ số sử dụng đất của khu vực.

DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO