Về Sóc Sơn mua đất rẻ như rau: 10.000 đồng/m2

Cập nhật 16/06/2013 09:51

Sau thông tin Việt phủ của họa sỹ Thành Chương, nhà vườn của ca sỹ Mỹ Linh tại Sóc Sơn, Hà Nội vi phạm quy định về xây dựng, xây công trình kiên cố trên đất rừng phòng hộ, giá bán đất ở Sóc Sơn vốn đã rẻ từ khi thị trường bất động sản “xuống đáy”, nay lại càng rẻ mạt hơn, có mảnh đất thậm chí chỉ được rao bán với giá 10.000 đồng/m2...

Sau thông tin Việt phủ của họa sỹ Thành Chương, nhà vườn của ca sỹ Mỹ Linh tại Sóc Sơn, Hà Nội vi phạm quy định về xây dựng, xây công trình kiên cố trên đất rừng phòng hộ, giá bán đất ở Sóc Sơn vốn đã rẻ từ khi thị trường bất động sản “xuống đáy”, nay lại càng rẻ mạt hơn, có mảnh đất thậm chí chỉ được rao bán với giá 10.000 đồng/m2...


Việt Phủ Thành Chương thuộc địa bàn xã Hiền Ninh, Sóc Sơn của họa sĩ Thành Chương bị Thanh tra Chính phủ kết luận xây dựng trên khu đất có nguồn gốc đất rừng đặc dụng

Đất rẻ ê hề, khách mua vắng bóng

Chỉ cần gõ Google thông tin “bán đất trang trại/đất rừng ở Sóc Sơn”, chỉ trong khoảng 10 giây, hàng ngàn kết quả đã hiện ra, với đủ các lời rao bán đất ở các xã: Hiền Ninh, Minh Trí, Minh Phú: “bán gấp”, “giá không thể rẻ hơn”, “đất trang trại cực đẹp”... Khảo sát qua các trang mạng, thấy đất được rao bán đắt nhất cũng chưa đầy 5 triệu đồng/m2, có chỗ chỉ vài chục ngàn đồng/m2, thậm chí có chỗ còn rao bán với giá 10.000 đồng/m2.

Lần theo một dòng tin rao bán đất rừng diện tích 4.200m2 ở thôn Ninh Môn, xã Hiền Ninh, chúng tôi gặp một người đàn ông tên Thiệu. Thiệu giới thiệu về lô đất: “Mặt đường phía trước rộng 25m (đường băng cũ). Thuận tiện cho việc xây biệt thự nghỉ dưỡng vì không gian yên bình hoặc có thể xây dựng làm trang trại. Giá bán 150 triệu đồng/360m2”. Khi chúng tôi hỏi về tính pháp lý của khu đất, Thiệu bảo nửa tháng sau gọi lại vì giờ đang thanh tra “gắt” và trấn an “nhưng yên tâm, đất ở đây vẫn là sự lựa chọn của nhiều người”. Rồi để giúp khách hàng có thêm sự lựa chọn, Thiệu tranh thủ giới thiệu mảnh đất rừng diện tích 7200m2 thuộc khu vực hồ Đồng Quan, xã Quang Tiến, giáp mặt hồ, quang cảnh đẹp, thuận lợi cho việc xây biệt thự nghỉ dưỡng, giá bán 130 triệu đồng/360m2.

Trong vai người đi mua đất rừng làm trang trại, chúng tôi về xã Hiền Ninh, Minh Phú để “mục sở thị” những khu đất được quảng cáo trên mạng. Quả thật, các tuyến đường nơi đây đều đã được trải nhựa, đi lại dễ dàng, rừng phủ xanh ngút ngàn, thi thoảng là những thửa đất rộng nằm giáp đường đã được xây tường bao quanh để làm nhà hàng hoặc nơi nghỉ dưỡng. Ông Nguyễn Tấn Văn - người dân xã Hiền Ninh cho biết: “Những mảnh đất đẹp, mặt đường cũng bị bán hết cả rồi, người ta cũng xây tường làm nhà hàng, nhà nghỉ hoặc xưởng gỗ, nếu muốn mua thì cũng phải mua lại. Giá các mảnh đẹp hiện được rao bán vào khoảng 150 triệu/sào (360m2), nhưng cứ rao bán thế chứ có thấy khách đến mua đâu”.

Ông Nguyễn Văn Khánh - một “cò” đất ở Sóc Sơn cũng thừa nhận: “Thời gian gần đây, đất Sóc Sơn rất khó bán do có nhiều thông tin đây là đất rừng phòng hộ, cấm xây dựng công trình trên đất. Trước đây, khi mua bán đất, người mua và chủ đất rừng đến UBND xã xin xác nhận về việc ký “hợp đồng liên doanh” để phát triển rừng, sau đó một thời gian, chủ đất rút lui với lý do không đủ khả năng và giao toàn bộ quyền cho bên mua. Giờ lực lượng chức năng đang thanh, kiểm tra, rà soát lại. Hôm qua xã vừa yêu cầu các gia đình được giao đất rừng báo cáo thực tế tình hình sử dụng đất, chuyển nhượng, nên giờ không mua bán gì được đâu. Đợi khoảng hơn chục ngày nữa xem tình hình như thế nào rồi quay lại đây nhé”.


Càng đi sâu vào rừng phòng hộ Sóc Sơn càng thấy nhiều nhà hàng, khu sinh thái mọc lên như nấm.

Nhập nhằng đất rừng, đất ở

Tình trạng chuyển nhượng đất rừng phòng hộ theo các hình thức lách luật như trên hoặc chỉ thông qua giấy tờ viết tay cũng xảy ra tại địa bàn các xã Minh Phú, Minh Trí. Tại xã Minh Phú, trước năm 2004, xã còn cho phép việc chuyển nhượng và do vi phạm này mà 8 cán bộ xã đã bị xử phạt tù. Tuy nhiên, những khu đất đã chuyển nhượng ngầm hoặc trái quy định vẫn đang do người nhận chuyển nhượng quản lý.
Những năm trước có những trường hợp anh em trong nhà nhận đất trồng rừng nhưng không đủ sức làm thì cho nhau. Những năm 2007-2008, người thành phố về mua đất rừng để làm nhà hàng, quán ăn thì bắt đầu đòi lại, tranh chấp, kiện tụng nhau ra tòa, mất hết tình anh em”.

Ông Nguyễn Văn Khánh,
người dân xã Hiền Ninh, Sóc Sơn

Một trong những tâm điểm dư luận thời gian qua là khu đất có diện tích gần 12.700m2 mà ca sỹ Mỹ Linh đang sử dụng, theo Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội, có nguồn gốc là đất rừng phòng hộ, do một công nhân lâm trường (nay là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông - lâm nghiệp Sóc Sơn) chuyển nhượng, được UBND xã Minh Phú xác nhận. UBND huyện Sóc Sơn đã cấp giấy phép chứng nhận quyền sử dụng đất ở 600m2, trên tổng diện tích 12.691m2 đất rừng phòng hộ cho ca sỹ Mỹ Linh. Theo ông Đào Xuân Tân - Phó chủ tịch UBND xã Minh Phú: “Việc Thanh tra Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội kết luận: “Nhà của ca sỹ Mỹ Linh làm sai phép” là không đúng, vì năm 2008 khu đất này đã được chuyển thành đất thổ cư và hạn mức khi đó cho phép mỗi bìa đỏ là 600m2”.

Chuyện chuyển nhượng ngầm, sai đối tượng rồi hợp thức hóa đất rừng phòng hộ thành đất thổ cư ở Sóc Sơn đã và đang là vấn đề đặt ra. Đây cũng là lý do khiến nhiều người liều bỏ tiền ra mua đất đang được trồng rừng với giá rẻ với hy vọng sau này sẽ “hốt bạc” nếu được chuyển thành đất thổ cư. Ông Đào Xuân Tân cho biết: “Năm 1986, hơn 100 hộ dân của xã vào trồng rừng, đồng thời sinh sống luôn ở trong khu quy hoạch rừng phòng hộ Sóc Sơn. Xã có hơn 370 ha rừng và có hơn 100 hộ dân đang sống trong đó, mà quy hoạch rừng lại chưa chỉ rõ phạm vi nào là đất rừng, đất thổ cư, tạo ra sự chồng lấn giữa hai loại đất. Điều này đã làm xã khó khăn, lúng túng trong công tác quản lý đất và xây dựng”.

Ông Phùng Minh Cuộc, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Trí cũng cho biết, năm 1986 có 79 hộ dân của xã vào khai hóa đất trọc để trồng rừng, nay đã phát triển lên gần 200 hộ. Hiện trong phạm vi quy hoạch đất rừng lại có gồm cả vùng đông đúc các hộ dân sinh sống, đất ở và đất rừng chồng lấn vào nhau. “Quy hoạch cứ như trên trời vậy. Giờ không đo được bản đồ, dân không tách đất thổ cư ra khỏi đất rừng được. Nếu không tháo gỡ ngay thì sẽ còn rối rắm, mệt cho xã lắm”- ông Phùng Minh Cuộc nói.

DiaOcOnline.vn - Theo GTVT