Hồ hởi đầu tư đón đầu chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN), nhưng gặp ngay lúc thị trường bất động sản đóng băng, đầu ra cho sản phẩm bế tắc, khiến nhiều DN sản xuất loại vật liệu xây dựng này phải hoạt động cầm chừng, thậm chí dừng hoạt động.
Chương trình phát triển VLXKN được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 567/QĐ-TTg. Đón đầu xu hướng phát triển của loại VLXD mới này, nhiều DN trong ngành đã đầu tư nâng tổng công suất thiết kế VLXKN lên 4,3 tỷ viên/năm, bao gồm: gạch AAC là 1,5 triệu m3/năm, gạch bê tông bọt là 0,2 triệu m3/năm và bê tông cốt liệu 30 - 40 triệu viên/năm. Hàng trăm cơ sở sản xuất gạch bê tông cốt liệu nhỏ lẻ khác cũng tham gia thị trường này.
Nhưng thị trường BĐS đóng băng kéo dài đã đẩy các DN sản xuất VLXKN vào thế rất khó khăn. Ngay như gạch tuynel, loại gạch truyền thống chiếm hơn 90% thị phần gạch xây dựng, với lượng tiêu thụ khoảng 20 tỷ viên/năm cũng đang điêu đứng vì ế hàng, thì gạch không nung, một sản phẩm mới, chưa được phổ biến trên thị trường lại càng khó tìm đầu ra.
Dù được đánh giá cao, nhưng các sản phẩm vật liệu không nung cũng chịu chung cảnh "ế ẩm" như các sản phẩm khác
|
Tại thị trường phía Nam, có 3 đơn vị đầu tư sản xuất gạch AAC là CTCP Vương Hải (V-block), CTCP Gạch khối Tân Kỷ Nguyên (E-Block) và CTCP Vĩnh Đức Sài Gòn (BTONG), với công suất cho mỗi dây chuyền là 100.000 m3/năm. Đến nay, chỉ còn V-block và E-block đang hoạt động, còn BTONG đã ngừng sản xuất và đang rao bán dây chuyền. Dù vẫn bán được hàng nhưng cả V-block và E-block đang sản xuất - kinh doanh trong thế “cầm cự”. Sản phẩm của 2 DN chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường Úc, Hàn Quốc, New Zealand, Singapore, Đài Loan.
Ông Đàm Thanh Tùng, Phó giám đốc CTCP Vương Hải cho biết: “Tình hình tiêu thụ sản phẩm đầu năm 2013 đã tốt hơn, nhà máy chạy được 50 - 60% công suất thiết kế, nhưng tiêu thụ trong nước cũng chỉ được 15 - 20% công suất”.
Tại phía Bắc, hàng loạt dây chuyền sản xuất gạch AAC đã ngừng hoạt động, thậm chí sản phẩm trong đợt sản xuất thử nghiệm còn chưa bán hết hàng, ngoại trừ các đơn vị được bao tiêu sản phẩm như Viglacera và 2 dây chuyền mới đi vào hoạt động là UDIC, Hồng Hà Dầu khí. Hiện gạch AAC đang được sử dụng tại các công trình như Royal City, Times City, Ecopark và nhà ở xã hội của Viglacera ở Hà Nội.
Dù gạch AAC đang có tín hiệu lạc quan từ việc tiêu thụ trong dân, nhưng so với công suất thiết kế, nhu cầu tiêu thụ của khối dân sinh quá nhỏ bé. Một khi thị trường xây dựng chưa phục hồi, thì gạch AAC vẫn lâm vào thế bí.
Mảng sáng nhất trong thị trường VLXKN là sản phẩm gạch xi măng cốt liệu. Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước đã đầu tư khoảng hơn 1.000 dây chuyền sản xuất gạch xi măng cốt liệu có công suất dưới 7 triệu viên/ năm và khoảng 50 dây chuyền có công suất từ 7 - 40 triệu viên/năm. Tổng công suất khoảng 3 tỷ viên/năm, với tổng giá trị đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Lượng tiêu thụ đạt 85 - 90% lượng sản xuất (khoảng 2,7 tỷ viên). Ngoài ra còn có hàng loạt cơ sở nhỏ lẻ sản xuất loại gạch này. Yếu tố dễ sử dụng đã giúp gạch xi măng cốt liệu nhanh chóng tiếp cận thị trường.
Nhằm giải cứu cho sản phẩm của mảng sản xuất VLXD mới này, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 09/2012, quy định việc sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng. Theo đó, với các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước bắt buộc phải sử dụng VLXKN theo lộ trình: kể từ ngày 15/1/2013 tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% VLXKN; tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% VLXKN đến hết năm 2015, sau năm 2015, phải sử dụng 100% vật liệu này. Với các công trình từ 9 tầng trở lên, không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến năm 2015, phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% VLXKN.
Sau khi Thông tư 09/2012 được ban hành, Sở Xây dựng Quảng Trị đã đề xuất cho được lùi thời hạn sử dụng loại gạch này. Lý do là hiện ở Quảng trị chưa có cơ sở sản xuất, còn vận chuyển từ nơi khác đến sẽ đẩy giá thành lên cao. Đây cũng là thực tế của nhiều địa phương, nên các nhà sản xuất cần tính đến yếu tố giảm giá thành để có giá cạnh tranh. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Bộ Xây dựng sẽ xem xét để có quyết định cho từng trường hợp cụ thể, nhưng việc sử dụng VLXKN là một yêu cầu bắt buộc.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán