So với năm 2006, giá vàng năm 2007 tăng hơn 30%, những ngày đầu năm 2008, giá vàng lại tăng vọt, vượt ngưỡng 17 triệu đồng/lượng...
So với năm 2006, giá vàng năm 2007 tăng hơn 30%, những ngày đầu năm 2008, giá vàng lại tăng vọt, vượt ngưỡng 17 triệu đồng/lượng. Giá vàng tăng đã tác động đến nhiều mặt kinh tế, đời sống xã hội. Giá vàng cứ “xác lập kỷ lục mới” thì với những người ít tiền, cơ hội mua được nhà ở lại càng xa vời.
Người giàu cũng khóc!
Anh bạn đang là viên chức làm việc ở một cơ quan tại TP.HCM, vừa gọi điện thoại than với người viết bài này rằng kế hoạch mua nhà vào trước Tết con chuột đã bị vỡ. “Giấc mơ mua nhà ở ấp ủ 5 năm nay xem như tan biến khi giá vàng cứ leo thang như bây giờ”, anh nói như mếu!
Anh bạn kể lại, hồi đầu năm 2007, hai vợ chồng anh đã tích cóp đem gửi ngân hàng được 400 triệu. Vì không thích ở chung cư, vả lại với số tiền đó cũng không đủ để mua một căn hộ chung cư trung bình nên anh chị quyết tâm để dành đến cuối năm 2007 sẽ mua một căn nhà ở các quận xa như: Q12, Bình Tân, Tân Phú… với giá 40 lượng vàng là “vừa với khả năng”.
Nếu tính thời điểm đầu năm 2007, giá vàng ở mức 12 triệu đồng/lượng SJC, quy ra tiền (của 40 lượng) bằng 480 triệu, như vậy chỉ cần tích lũy trong 1 năm được 80 triệu đồng là anh đủ mua nhà. Thế nhưng cho đến thời điểm này, giá vàng ở mức hơn 17 triệu đồng/lượng, nếu muốn mua một căn nhà cỡ 40 lượng như dự định ban đầu thì anh phải bỏ ra số tiền 680 triệu đồng.
“Làm gì cán bộ công chức như hai vợ chồng tôi một năm dư được 200 triệu đồng, cộng với 80 triệu dự định tiết kiệm trong năm, thành ra lên đến gần 300 triệu đồng mới mua được nhà”, anh nói buồn thiu.
Trường hợp của anh chỉ dừng lại ở mức… buồn. Còn anh Phước - một “đại gia”, hàng xóm chúng tôi thì... “khóc”. Sự việc như thế này: Tháng 11 - 2007, anh mua một căn nhà trên đường 3 Tháng 2 (Q.10) với giá 600 lượng vàng SJC để làm khách sạn mini, lúc đó giá vàng ở mức 14,3 triệu đồng/lượng.
Anh đặt cọc trước 10% (anh rút tiền ở ngân hàng ra mua 60 lượng SJC) và chủ nhà xin cho thời gian 1 tháng để dọn nhà xong, sau đó chồng tiếp 80% để làm thủ tục sang tên, 10% còn lại sẽ chồng đủ khi ra giấy tờ qua tên anh Phước.
Lần lữa mãi qua đầu tháng 1-2008 anh Phước mới chồng 80% số vàng còn lại để ra công chứng và chồng luôn 10 lượng còn lại khi ra giấy tên anh. Tính ra trong vòng hơn một tháng anh mất khoảng 1 tỷ đồng. Đến ngày anh Phước chồng đủ 10% cuối cùng thì giá vàng đã ở mức 16,6 triệu đồng/lượng (ngày 3.1.2008), so với tháng 11-2007 thì mỗi lượng anh Phước phải thêm khoảng 2 triệu đồng x với 540 lượng còn lại, anh Phước mất thêm khoảng 1 tỷ đồng.
“Tôi đã tính sai nước cờ, vì cứ nghĩ người ta đang có nhu cầu mua căn hộ, đất dự án bằng tiền hoặc USD nên sẽ bán vàng lấy tiền, lúc đó giá vàng sẽ giảm xuống, mình mua vào sẽ rẻ, nào ngờ”, anh Phước nói.
Kéo theo nhiều “hệ lụy”
Giá vàng lên chóng mặt đã tác động trực tiếp đến nhiều mặt đời sống xã hội, những người muốn mua nhà riêng lẻ rất khó có cơ hội mua được nhà, nhất là cán bộ công chức trẻ, hưởng tiền lương từ ngân sách nhà nước. Còn những người ít tiền, công nhân lao động thì giấc mơ mua nhà thời vàng tăng giá lại càng xa vời vợi.
Chúng tôi thử làm một cuộc khảo sát qua 10 người chưa có nhà ở, thu nhập ở mức trung bình, cho thấy: Hiện nay, nếu mua chung cư thì toàn là chung cư từ trung bình khá đến cao cấp. Một căn hộ chung cư trung bình hiện nay “bèo” nhất cũng phải từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng, còn căn hộ chung cư cao cấp thì… đừng mơ!
Với số tiền từ 500 - 600 triệu, nếu người mua đến các quận, huyện xa như: Thủ Đức, Q.12, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh… có thể mua được căn nhà tương đối tốt. 10 người này còn cho rằng, họ vẫn thích mua nhà hoặc đất (sau đó cất nhà) hơn là mua chung cư cũ, vì chung cư giá rẻ môi trường thường xô bồ, nhếch nhác, mà hiện nay chung cư giá rẻ cũng rất hiếm hàng và ít có căn nào giá dưới 500 triệu đồng.
Hiện nay, chỉ có các dự án nhà ở, căn hộ chung cư cao cấp, biệt thự thì người ta có xu hướng bán bằng tiền Việt hoặc USD, còn lại gần như đất, nhà riêng lẻ, ngay cả nhà ở quận trung tâm cũng bán bằng vàng theo kiểu: 50 lượng, 100 lượng, 500 lượng, 1.000 lượng SJC!
Thử tham khảo tại chợ địa ốc ACB, trên trang quảng cáo nhà đất của một số tờ bào lớn thì có đến 95% nhà, đất riêng lẻ đều rao bán bằng vàng và cũng chẳng hiểu vì sao gần như mặc nhiên người bán đồng loạt lấy vàng SJC giao dịch (?).
Giá vàng tăng cao, người mua khó mua được nhà, còn các công ty môi giới, địa ốc chuyên về nhà, đất riêng lẻ cũng lao đao. Giám đốc một sàn giao dịch địa ốc cho biết, giá vàng lên, sức mua nhà đất riêng lẻ giảm hẳn (đến 70%). Tình trạng này hoàn toàn trái ngược với thời điểm cuối năm 2006.
Vàng tăng giá còn làm cho nhiều người đổ xô nhau đi mua vàng để trữ (riêng SJC bình quân mỗi ngày bán được khoảng từ 4.000 - 5.000 lượng vàng). Còn những người có tiền đang gửi tiết kiệm trong ngân hàng thì cảm thấy xót xa, vì tiền gửi có kỳ hạn một năm lãi suất được hưởng 0,8%, đem so với vàng thì lỗ “te tua”. Nhiều người bây giờ đang chần chừ là có nên rút tiền ra để mua vàng hay không.
Một tiến sĩ kinh tế cho rằng: “Một đất nước mà người dân trữ vàng quá lớn sẽ kéo theo nền kinh tế yếu, vì đồng tiền trữ vàng là đồng tiền “chết”, không sinh lợi. Trên thế giới, những nước phát triển trữ vàng chủ yếu do nhà nước thực hiện để đảm bảo nguồn dự trữ quốc gia. Còn người dân ít khi trữ vàng”.
Theo Sài Gòn Giải Phóng