Vẫn bức xúc vấn đề nhà ở

Cập nhật 03/06/2011 13:15

Tốc độ đô thị hóa nhanh cộng với việc gia tăng dân số cơ học đã làm cho vấn đề nhà ở đô thị ngày càng bức xúc. Thêm vào đó, hiện tượng một bộ phận có điều kiện kinh tế khá giả đã sở hữu nhiều nhà ở với diện tích rộng ...


Những KTT đã xuống cấp cần sớm được xây dựng lại để cải tạo cảnh quan đô thị và nâng cao chất lượng về chỗ ở. Ảnh: Linh Tâm
Tốc độ đô thị hóa nhanh cộng với việc gia tăng dân số cơ học đã làm cho vấn đề nhà ở đô thị ngày càng bức xúc. Thêm vào đó, hiện tượng một bộ phận có điều kiện kinh tế khá giả đã sở hữu nhiều nhà ở với diện tích rộng đã dẫn đến hiện tượng số lượng nhà ở tăng nhanh, nhưng số hộ gia đình sống trong căn hộ chật chội vẫn không giảm.
 
Theo Bộ Xây dựng, tại các đô thị lớn, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Huế... vẫn còn nhiều hộ gia đình sống trong những căn nhà chật chội, nhà tạm bợ trên hoặc ven kênh rạch, hình thành các "xóm liều" tồn tại nhiều năm qua. Số liệu điều tra cho thấy, cả nước còn 7.42% nhà đơn sơ, tương ứng hơn 1.6 triệu căn hộ; 10% tổng số căn hộ có diện tích dưới 30 m2/căn, trong đó tỷ lệ căn hộ có diện tích quá chật hẹp dưới 15m2 chiếm 2.3% (riêng khu vực đô thị là 4%). Đáng lưu ý, trong 10 năm qua, tỷ lệ nhà ở có diện tích rộng từ 60m2 trở lên tăng đáng kể, chiếm khoảng 51%, nhưng thực tế số hộ gia đình có diện tích nhà ở chật chội dưới 15m2 hầu như không giảm, vẫn chiếm khoảng 14%.

Thực trạng số lượng nhà ở có diện tích rộng tăng nhanh, nhưng số hộ gia đình có diện tích nhà ở chật lại không giảm cho thấy hiện tượng một bộ phận có điều kiện kinh tế khá đã sở hữu nhiều nhà ở với diện tích rộng. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh cộng với việc gia tăng dân số cơ học làm cho vấn đề nhà ở đô thị ngày càng bức xúc, trong khi đó giá nhà đất đô thị thường xuyên có những biến động không phù hợp với thực trạng của nền kinh tế và thu nhập của người lao động. Điều này đã làm tăng chênh lệch về điều kiện ở giữa các tầng lớp dân cư, kéo rộng khoảng cách giàu - nghèo, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các tầng lớp dân cư.

Ngoài ra, số lượng nhà chung cư cao tầng xây dựng trong giai đoạn trước những năm 1980 đang đứng trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Riêng TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đang có hơn 150 khối nhà chung cư đang ở mức nguy hiểm cần phải sớm được phá dỡ xây dựng lại để bảo đảm an toàn. Trong khi tỷ lệ quỹ nhà ở xây dựng theo dự án so với quỹ nhà ở do dân tự xây dựng tại khu vực đô thị còn thấp. Tại nhiều địa phương vẫn còn tồn tại những khu nhà ở cũ, khu dân cư và "làng xóm" trong đô thị cần sớm triển khai việc cải tạo, chỉnh trang để cải thiện cảnh quan đô thị và góp phần nâng cao chất lượng về chỗ ở.

Tại khu vực nông thôn, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách về nhà ở nhưng các quy định vẫn còn hạn chế và chỉ mang tính nguyên tắc; chủ yếu hỗ trợ, cải thiện nhà ở cho các hộ gia đình nghèo và khu vực bị ngập lụt, chưa có những quy định cụ thể về quy hoạch, kiến trúc, yêu cầu, tiêu chuẩn và chất lượng nhà ở, vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu... Đặc biệt, việc triển khai lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn vẫn rất hạn chế. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng nhà ở nông thôn tuy có tăng về số lượng, nhưng chủ yếu là tự phát nên chất lượng ở mức thấp. Thống kê cho thấy, 9.5% tổng số căn hộ nhà ở nông thôn là nhà đơn sơ, trong đó một số vùng nhà ở đơn sơ vẫn chiếm tỷ lệ cao, như Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng gần 839,000/3.285,405 căn hộ (chiếm tỷ lệ 25.5% tổng số nhà ở), trung du và miền núi phía Bắc 299,249/2,214,770 căn hộ (chiếm tỷ lệ 13.5%). Trong khi đó, điều kiện và môi trường sống của các hộ dân tại khu vực nông thôn đã và đang từng bước được cải thiện, nhưng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội như cấp nước sạch, điện chiếu sáng, xử lý vệ sinh môi trường… không đồng bộ, mới có khoảng 82.5% số hộ nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh và 39% số hộ có công trình vệ sinh phù hợp.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới