Thị trường bất động sản (BĐS) vừa qua một đợt sóng ngắn hạn. Bên cạnh các dự án có tiến độ triển khai tốt cũng đã xuất hiện các dấu hiệu không minh bạch trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực này...
Thị trường bất động sản (BĐS) vừa qua một đợt sóng ngắn hạn. Bên cạnh các dự án có tiến độ triển khai tốt cũng đã xuất hiện các dấu hiệu không minh bạch trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Mà dự án căn hộ The Montana Apartment (Q.Tân Phú, TP.HCM) và dự án Thanh Hà (Hà Đông, Hà Nội) là những ví dụ điển hình.
Thực tế cho thấy, ở thời điểm này, các giao dịch BĐS vẫn diễn ra cầm chừng. Còn các dự án BĐS cũng chỉ trong giai đoạn xây dựng, nhanh nhất cũng phải cuối năm hoặc sang năm 2011 mới có thể hoàn thành. Thị trường đang xuất hiện những cơn sóng ảo. Vòng mua bán trao tay bắt đầu quay nhiều vòng và cuối cùng sẽ tạo ra một mức giá không có thực. Đây sẽ là nguy cơ xuất hiện bong bóng BĐS.
Tuy nhiên, phân tích của các chuyên gia BĐS cho rằng, dù đã sôi động trở lại, song thị trường nhà đất ở hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM từ nay đến cuối năm sẽ không phát triển quá nóng như những năm trước. Bởi xét trên tổng thể, mức cầu chung về BĐS gần như không biến động, giao dịch (của những người có nhu cầu thực) vẫn hết sức dè dặt.
Giá chỉ biến động lớn ở một số dự án hưởng lợi bởi thông tin về những công trình hạ tầng lớn. Các dự án nhà ở, KĐTM có nhiều nhưng hầu hết triển khai chậm, hạn chế nguồn cung cho thị trường. Nghiêm trọng hơn, lượng hàng hóa này lại mất cân đối với nhu cầu địa phương. Trong khi Hà Nội, TP.HCM luôn trong tình trạng thiếu nhà ở thì lại có những địa phương như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh… lượng cung thừa, nhiều dự án để hoang.
Một điều hiển nhiên dễ thấy là, các DN thì chỉ chú tâm vào loại nhà có diện tích rộng, giá bán chỉ phù hợp với đối tượng có thu nhập cao. Thế nên, thị trường vẫn đang trong tình trạng thiếu hàng hóa có quy mô và giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của người dân. Thiếu loại nhà ở cho thuê, bán trả dần. Trong khi đó, hầu hết các mức giá BĐS ở những “điểm nóng” của Hà Nội được “ban” ra đều không theo một cơ sở nào.
Đây là một thực tế nhiều người nhìn thấy, nhưng lại không thể lý giải cặn kẽ được vì sao?! Và giá trị gia tăng ấy liệu sẽ đóng góp thêm cho ngân sách Nhà nước được bao nhiêu? Giá cuối cùng vẫn do các tổ chức, cá nhân giao dịch định với nhau. Thị trường BĐS đang mang những dấu hiệu bất thường khó lường, nằm ngoài vòng kiểm soát của các cơ quan Nhà nước. Và sau mỗi đợt tăng giá, các nguồn lợi vẫn như bong bóng xà phòng “hạ” vào đâu đó?
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng