Vài m2 mặt tiền phố Hàng Bạc mỗi năm cho thuê cả tỷ đồng

Cập nhật 27/11/2009 09:10

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, việc giãn dân phố cổ là khả thi nhưng phải có lộ trình. Bên cạnh khu đô thị Việt Hưng, thành phố sẽ quy hoạch tiếp một số địa điểm dành cho giãn dân phố cổ.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, việc giãn dân phố cổ là khả thi nhưng phải có lộ trình. Bên cạnh khu đô thị Việt Hưng, thành phố sẽ quy hoạch tiếp một số địa điểm dành cho giãn dân phố cổ.

Chẳng hạn như sắp tới là khu Sài Đồng vì từ phố cổ sang Bắc sông Hồng gần, người dân sẽ tiện sinh hoạt và cuộc sống ít bị xáo trộn hơn.

Trước sức ép về mật độ dân số, cùng với việc phải tiến hành bảo tồn kiến trúc các khu nhà cổ trong phố cổ Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã tái khởi động dự án giãn dân phố cổ. Theo số liệu của các nhà nghiên cứu xã hội học, mỗi người dân cần ít nhất là 8m² mặt bằng mới đảm bảo được điều kiện sinh hoạt. So sánh với con số trên, không ít người phát hoảng với diện tích mặt bằng mà người dân phố cổ Hà Nội hiện đang sử dụng. Trung bình mỗi người chỉ được hưởng 1,5 - 2m² sinh hoạt.

Trái khoáy là ở chỗ, sự đông đúc về mật độ dân số cùng những ngôi nhà cổ có tuổi thọ gần 200 năm với lối kiến trúc độc đáo đã tạo nét riêng cho Hà Nội. Tại các khu phố cổ hiện nay, trung bình cứ 1 km² thì có 4.000 người sinh sống. Chính sự đông đúc về dân cư là nguyên nhân khiến phố cổ xuống cấp. Số nhà 47 Hàng Bạc là một trong những căn nhà cổ nhất Hà Nội. Căn nhà đã có trên 180 năm. Trong căn nhà, toàn bộ vữa tường bong tróc, sự ẩm thấp và mối mọt đã khiến mái nhà bị gãy, cong nhiều chỗ có nguy cơ bị sụp nhiều lần. Sự mất an toàn là yếu tố luôn thường trực đối với những người dân đang sống trong căn nhà này.

"Chủ trương giãn dân ra khỏi phố cổ không phải là xuất phát từ mục tiêu xây dựng mà mục đích chính là để giải quyết điều kiện ăn, ở của người dân phố cổ", Chủ tịch UBND thành phố nói. Đối tượng thuộc diện di chuyển gồm: các hộ dân sống trong khuôn viên các công trình công cộng, di tích, trường học, công sở, các công trình có nguy cơ sụp đổ… và các hộ dân tự nguyện di dời. Việc giãn dân trên cơ sở vừa vận động, thuyết phục đồng thời tạo điều kiện để dân có cuộc sống tốt hơn, chứ không phải nhằm mục đích lấy đất nên không cưỡng chế.

Tuy nhiên nếu ở phố cổ, chỉ cần vài m2 đất mặt đường là người dân có thể kiếm sống nuôi cả gia đình. Tại số 26 Hàng Bạc, chủ nhà cho thuê với giá 5.000 USD/tháng, mỗi năm thu về cả tỷ đồng. Trong khi đó họ đã có nhà ở tại khu phố khác. Một khó khăn nữa là phố cổ đang tồn tại nhiều hộ gia đình sinh sống trong những căn nhà cổ từ vài chục năm nay nhưng họ không phải chủ ngôi nhà. Những hộ gia đình này chỉ là người đi thuê. Vì lý do nào đó như chủ nhà đã mất, hay do chiến tranh khi đi tạm cư về, chủ nhà không còn đủ giấy tờ để chứng minh đòi lại căn nhà. Nếu đồng ý với dự án giãn dân họ sẽ không đủ cơ sở để được cấp nhà, còn ở lại đương nhiên họ vẫn có nơi sinh sống và buôn bán, dù chật hẹp.

Được biết, ở khu đô thị mới Việt Hưng, khi quy hoạch thành phố đã để ra một khu vực dành cho kinh doanh. "Nhưng tôi cho là để thay đổi nghề nghiệp như kinh doanh, buôn bán… của người dân trong phố cổ tương đối khó vì đó là nghề truyền thống của họ từ bao năm nay. TP có chính sách hỗ trợ đào tạo học nghề để chuyển nghề, tất cả các khu đô thị mới đều có diện tích cho người dân thuê để kinh doanh", ông Thảo nói.

Theo một cán bộ của Ban quản lý phố cổ, dự án mới chỉ đang trong giai đoạn đề xuất ý tưởng với UBND TP. Tuy nhiên ngay khi dự án được phê duyệt, Ban quản lý sẽ lấy ý kiến rộng rãi từ người dân và các nhà khoa học.


DiaOcOnline.vn - Theo Bộ TN - MT