Hà Nội và TP HCM là hai thành phố được ưu tiên xây dựng thêm nhiều cầu vượt nhẹ, hầm tại các nút giao thông trọng điểm, tạo giao cắt khác mức để chống ùn tắc giao thông.
Hà Nội và TP HCM là hai thành phố được ưu tiên xây dựng thêm nhiều cầu vượt nhẹ, hầm tại các nút giao thông trọng điểm, tạo giao cắt khác mức để chống ùn tắc giao thông.
Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông".
Nội dung yêu cầu cụ thể là: UBND TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cần ưu tiên xây dựng các cầu vượt nhẹ, hầm tại các nút giao thông trọng điểm, tạo giao cắt khác mức; lập quy hoạch và tổ chức xây dựng các bãi đỗ xe, điểm đỗ xe ngầm hoặc nhiều tầng.
Hai thành phố Hà Nội và TP HCM sẽ xây dựng thêm nhiều cầu vượt nhẹ vào năm 2013 để giảm thiểu ùn tắc giao thông
Theo kế hoạch, trong năm 2013 này, ngành giao thông Hà Nội triển khai xây dựng nhiều cầu vượt nhẹ tại nút giao: Chùa Bộc- Phạm Ngọc Thạch; Nguyễn Văn Cừ- Nguyễn Sơn; Trần Khát Chân- Đại Cồ Việt; Nguyễn Chí Thanh- Kim Mã và tại TP.HCM sẽ tiếp tục làm thêm một số cầu vượt nhẹ nữa. Giai đoạn 2013 – 2015, theo tờ trình của UBND TP.HCM cuối năm 2012, có đến cả chục cầu vượt bằng thép được lập dự án đầu tư xây dựng trong năm 2013, với tổng vốn đầu tư lên đến khoảng 2.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu của Chương trình hành động, Nhiệm vụ của các Bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố là tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp kiềm chế, giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu thực hiện, tích cực vận động gia đình và người thân chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đấu tranh phê phán các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông là một tiêu chuẩn đánh giá kết quả công tác hàng năm của các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công nhân viên.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xây dựng, công bố tiêu chí về "văn hóa giao thông" và có kế hoạch hướng dẫn thực hiện.
Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì xây dựng trình Chính phủ đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông ở các đô thị lớn. Chỉ đạo các Sở giao thông vận tải tăng cường giám sát các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho xe ô tô, sử dụng dữ liệu thông tin của thiết bị giám sát hành trình để phục vụ công tác quản lý nhà nước về hoạt động vận tải.
Bộ Tài chính nghiên cứu, trình Chính phủ sửa đổi quy định về lệ phí trước bạ đối với các trường hợp sang tên, di chuyển phương tiện đã đăng ký phù hợp với tình hình thực tế khi sang tên, di chuyển để chủ phương tiện thực hiện nghiêm túc việc sang tên, đổi chủ phương tiện.
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra nghiêm túc các cơ sở, trường, trung tâm đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch, công tác cấp giấy phép lái xe để đánh giá thực trạng toàn diện, khách quan về công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hiện nay.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan quản lý đường bộ thường xuyên rà soát để phát hiện và xử lý kịp thời các “điểm đen” về tai nạn giao thông trên đường bộ.
Bộ Công an chủ trì thực hiện Dự án "Xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm"; trước mắt, tập trung xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, trong nội đô thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn.