Bộ Giao thông Vận tải đang đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ưu tiên đầu tư cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng...
Bộ Giao thông Vận tải đang đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ưu tiên đầu tư cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế trong giai đoạn hội nhập sau khi Việt Nam gia nhập WTO.
Bộ cũng kiến nghị Chính phủ cho phép đấu thầu rộng rãi các gói thầu xây lắp, thiết bị theo giá gói thầu tính toán trên cơ sở dự án đầu tư, kế hoạch đấu thầu và kết quả thẩm định vốn vay của nhà tài trợ, không cần duyệt dự toán xây lắp trước khi đấu thầu để tránh chậm trễ khi chờ đợi thẩm định dự toán vì một số đơn giá không xác định được tại thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cho phép tiến hành công tác đấu thầu một số gói thầu tư vấn chuẩn bị xây dựng như thiết kế kỹ thuật trước khi phê duyệt dự án đầu tư và hiệp định vay được ký kết để tận dụng thời gian.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, để giải quyết vốn đối ứng kịp thời cho dự án, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất với Bộ TC xem xét để hàng năm bố trí nguồn riêng với cơ chế phù hợp nhằm giải quyết cho các dự án.
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang chủ trì thực hiện 34 dự án ODA. Kế hoạch giải ngân năm 2009 mà Bộ phải thực hiện là 4.865 tỷ đồng. Trong 6 tháng qua, mức giải ngân của Bộ ước đạt khoảng 2.400 tỷ đồng, xấp xỉ 50% kế hoạch giao cả năm.
Các dự án vượt mức kế hoạch đề ra gồm: dự án nâng cấp tỉnh lộ (ADB) đạt trên 300%, dự án cầu Cần Thơ (JICK) đạt 85%, dự án cầu Thanh Trì đạt 75%. Tuy nhiên, vẫn còn những dự án giải ngân rất chậm, bao gồm: dự án phát triển giao thông đồng bằng sông Cửu Long giải ngân chỉ đạt 4,5%; dự án Quốc lộ 3 mới giải ngân 8% so với kế hoạch.
Các dự án có mức giải ngân thấp là do một số dự án đầu tư ở giai đoạn đấu thầu phải hủy kết quả đấu thầu vì năng lực nhà thầu không đáp ứng hoặc có quá ít nhà thầu tham gia nên giảm tính cạnh trạnh.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là việc bàn giao mặt bằng chậm của các địa phương, giá vật liệu xây dựng có chiều hướng đi xuống nhưng vẫn chưa ổn định; năng lực Ban QLDA chưa đáp ứng với việc hài hòa thủ tục trong nước và nhà tài trợ.
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+