Điểm nổi bật nhất trong định hướng giá trị việc làm của người nông dân bị thu hồi đất là rất nhiều người mong muốn có việc làm đem lại thu nhập ổn định, dù thu nhập đó có thấp chút ít so với trước kia.
Điểm nổi bật nhất trong định hướng giá trị việc làm của người nông dân bị thu hồi đất là rất nhiều người mong muốn có việc làm đem lại thu nhập ổn định, dù thu nhập đó có thấp chút ít so với trước kia.
Nhiều người không muốn đi làm xa, vì họ ý thức rằng khi có việc làm sẽ có được vị thế xã hội nhất định và đời sống tâm lý thoải mái hơn. Việc nhàn, ít bận rộn, không chịu nhiều áp lực cũng là một giá trị được nhiều nông dân coi trọng, đặc biệt là nữ nông dân.
Kết quả này do Tiến sĩ Lưu Song Hà, Viện Tâm lý học cùng các cộng sự nghiên cứu tại 3 tỉnh Hà Tây (cũ), Hải Dương và Hưng Yên. Đây là những địa phương có nhiều khu công nghiệp (KCN) được xây dựng và toàn bộ đất bị thu hồi đều là đất nông nghiệp, người dân bị thu hồi phần lớn hoặc toàn bộ đất với mức đền bù phổ biến nhất từ 21 đến 50 triệu đồng.
Phần lớn số tiền đền bù được người dân sử dụng vào việc sửa sang, xây dựng nhà ở, mua sắm phương tiện đi lại, việc học tập của con cháu. Tuy nhiên, rất ít gia đình dành tiền đền bù đầu tư cho việc học nghề của con cháu, cũng như số gia đình đầu tư vào việc mở rộng sản xuất kinh doanh không nhiều.
Phần lớn nông dân bị thu hồi đất cảm thấy chưa thật hài lòng với chính sách đền bù giải tỏa mặt bằng và hỗ trợ chuyển đổi việc làm, nguyên nhân là do việc thu hồi đất kéo dài nhiều đợt dẫn đến việc tiền đền bù nhận được lẻ tẻ gây khó khăn cho việc đầu tư, ổn định, phát triển sản xuất.
Nhưng lý do cơ bản nhất là tồn tại tình trạng thiếu công bằng trong công tác đền bù. Việc thu hồi đất có một số ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân như ô nhiễm môi trường gây bất bình, lo lắng về sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Sự du nhập của các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, cờ bạc... đem lại sự bất ổn cho xã hội.
Những kết quả nghiên cứu thực tiễn này giúp các cơ quan quản lý các cấp, doanh nghiệp giải quyết những vấn đề tâm lý nảy sinh từ phía người nông dân, tạo điều kiện cho họ thích ứng với điệu kiện sống mới.
Trước khi triển khai kế hoạch thu hồi đất, chính quyền địa phương nên có những buổi tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân về ảnh hưởng của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất như tư vấn định hướng nghề nghiệp và chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, hướng dẫn người dân những vùng sẽ bị thu hồi đất sử dụng tiền đền bù có hiệu quả...
Khoản kinh phí dành cho việc đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp không nên giao trực tiếp cho dân. Việc đào tạo nghề cho những người nông dân phải được tiến hành một cách chính quy, mang tính chất bắt buộc, nhất là đối với lao động dưới 35 tuổi.
Với những người trên 35 tuổi khó chuyển đổi nghề, nên chăng cấp cho họ khoảng 3-4 m2 đất trong hoặc sát với KCN để họ tổ chức các hoạt động dịch vụ như bán hàng tạp hóa, quán ăn, dịch vụ phục vụ sinh hoạt cho các KCN.
Phương án này có tính khả thi bởi những diện tích đất bị thu hồi để xây dựng KCN chủ yếu là những nơi tiện đường giao thông, thuận lợi cho việc buôn bán, kinh doanh.
Kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên những mảnh đất nhỏ hẹp còn lại sau khi bị thu hồi đất trên thực tế đã cho thấy hiệu quả cao rất đáng khích lệ, nhưng phải đi kèm với việc đảm bảo những điều kiện cần thiết và rõ ràng như thời hạn sử dụng đất, điều kiện tưới tiêu... để người nông dân yên tâm đầu tư phát triển.
Trước khi bị thu hồi đất, người nông dân phải ý thức được việc tự trang bị cho mình một nghề nhất định để có thể đáp ứng kịp thời với sự thay đổi việc làm khi đất nông nghiệp bị thu hồi.
Nếu người dân không tự ý thức được vấn đề này thì sự quan tâm của các cấp chính quyền dù lớn đến đâu, kết quả cũng không được như mong muốn.