Khu chung cư 9 tầng dành cho người thu nhập thấp tại Xuân Mai (Hà Nội). |
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, 1/3 trong số gần 2 triệu cán bộ, công chức, viên chức (chủ yếu tập trung tại các đô thị lớn) chưa có chỗ ở ổn định, phải ở ghép hộ, ở nhờ, ở tạm.
Trong khi đó, tại các khu công nghiệp (KCN) mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân lao động có chỗ ở ổn định, số còn lại chưa có hoặc đang phải thuê chỗ ở tạm. Ngoài ra, ở các đô thị vẫn còn hàng vạn hộ gia đình đang phải sống trong điều kiện chỗ ở không bảo đảm tiêu chuẩn tối thiểu.
"Làm công ăn lương" khó mua được nhà
Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan hành chính sự nghiệp đều có nguồn thu nhập từ tiền lương là chủ yếu. Khả năng tích lũy để chi cho nhà ở tối đa chỉ chiếm được khoảng 11,5% tổng thu nhập, một tỷ lệ rất thấp so với chi phí tiền nhà ở thực tế hiện nay. Còn với công nhân các KCN, tiền thuê nhà ở hằng tháng chiếm tới khoảng 20-30% thu nhập. Vậy nên, đại bộ phận những người lao động, cả hành chính sự nghiệp lẫn trực tiếp, đều khó có điều kiện để tạo lập được chỗ ở phù hợp.
Trong nhiều thập kỷ qua, nhất là những năm gần đây, nhà ở cho người dân luôn là vấn đề xã hội quan trọng được Đảng, Nhà nước đặt ra và quan tâm giải quyết. Sau khi Luật Nhà ở được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 6-9-2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, trong đó quy định rõ việc thực hiện cơ chế Nhà nước và các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội cho một số đối tượng có thu nhập thấp gặp khó khăn về nhà ở thuê hoặc thuê mua.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về nhà ở cũng đã có quy định về chính sách phát triển và quản lý nhà ở xã hội, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng. Gần đây, ngày 20-4-2009, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 18/NQ-CP về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên, các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị...
Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân, cho đến nay, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội vẫn chưa thành phong trào một cách tự nguyện. Hiện mới chỉ có một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… đang bắt đầu triển khai thực hiện song kết quả còn rất khiêm tốn so với yêu cầu đặt ra và nhu cầu của xã hội.
Cơ hội đang mở ra
Đó là việc Bộ Xây dựng trình Chính phủ phê duyệt "Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2009-2015", trong đó ngoài việc đầu tư xây dựng quỹ nhà ở này bằng nguồn vốn nhà nước, có quy định bổ sung một số cơ chế khuyến khích, ưu đãi cụ thể đối với các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội để có thể triển khai thực hiện thống nhất và thuận lợi trên phạm vi cả nước...
Chương trình có tổng vốn đầu tư 49.000 tỷ đồng, dự kiến xây dựng khoảng 200.000 căn hộ, tương đương 9.800.000m2 sàn, nhằm giải quyết chỗ ở cho khoảng 30% số hộ gặp khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị. Trong đó, riêng hai năm 2009 và 2010, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi địa phương sẽ đầu tư xây dựng khoảng 10.000 căn hộ (tương đương với 500.000m2 sàn), trong đó có 5.000 căn hộ dành cho công nhân và 5.000 căn hộ dành cho các gia đình có thu nhập thấp, giải quyết chỗ ở cho khoảng 60.000 người.
Điều đáng nói là, chương trình, như lãnh đạo Bộ Xây dựng khẳng định, chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng nhà ở xã hội là việc sẽ kéo dài nhiều chục năm tiếp theo. Như thế, mặc dù vẫn còn rất nhiều băn khoăn và cả những quan ngại nhưng điều quan trọng nhất là niềm vui có nhà ở phù hợp với khả năng đang dần đến với người có thu nhập thấp tại các đô thị.
Hà Nội dẫn đầu về phát triển nhà ở xã hội
Nếu từ cách đây gần 20 năm, TP Hồ Chí Minh đã đi sớm nhất cả nước về thí điểm xây dựng nhà ở xã hội thì hiện nay, Hà Nội lại đang nổi lên là địa phương dẫn đầu về việc hiện thực hóa chủ trương này. Với quyết tâm cao, các doanh nghiệp trên địa bàn đã xắn tay cùng chính quyền thành phố chia sẻ khó khăn và thực hiện trách nhiệm xã hội.
Cụ thể, UBND TP Hà Nội đã đồng ý một số chỉ tiêu điều chỉnh quy hoạch Khu ĐTM Pháp Vân - Tứ Hiệp và Mỹ Đình để triển khai dự án nhà ở cho sinh viên. Dự án tại Khu ĐTM Pháp Vân - Tứ Hiệp có quy mô cao 15 tầng, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 22.000 sinh viên, do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) và Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) thực hiện. Dự án tại Khu ĐTM Mỹ Đình II có chiều cao 17 tầng, đáp ứng chỗ ở cho 8.000 sinh viên.
Ngoài 2 dự án trên, UBND TP Hà Nội cũng đã chấp thuận danh sách đợt 1 các nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án nhà ở xã hội. Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư thương mại Vĩnh Phát làm nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân thuê tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm; Công ty CP Đá ốp lát cao cấp làm nhà ở cho CBCNV đang lao động tại KCN Bắc Phú Cát và người có thu nhập thấp tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất; Tổng Công ty HUD xây dựng nhà ở xã hội tại Khu ĐTM Thanh Lâm - Đại Thịnh, huyện Mê Linh; Liên danh Công ty CP Bê tông Xuân Mai và Công ty CP Xây dựng Vinaconex 21 làm nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu tái định cư Kiến Hưng, Hà Đông; Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội và Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 làm nhà cho người thu nhập thấp tại khu Sài Đồng, quận Long Biên; Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội xây dựng giai đoạn II nhà ở công nhân và người thu nhập thấp tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh...
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã tổ chức khởi công xây dựng thí điểm 2 khu nhà ở xã hội tại Khu ĐTM Việt Hưng, quận Long Biên (gồm 800 căn hộ, diện tích từ 35-60 m2/căn) với hình thức thuê và thuê - mua, dành cho cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp có khó khăn về nhà ở...
Bằng những hoạt động này, Hà Nội sẽ phấn đấu thực hiện mục tiêu trong năm 2010 xây dựng được khoảng 3.600 đến 5.400 căn hộ cho cán bộ, công chức và khoảng 6.000 căn hộ cho công nhân các khu công nghiệp tập trung. Đây là những con số hết sức có ý nghĩa, là sự nỗ lực cao độ và là dấu ấn đặc biệt trong năm diễn ra Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội của chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô.
Như thế, với sự quan tâm của Nhà nước cùng các chính quyền đô thị, ngay trong năm 2010 này, giấc mơ về nhà ở của những người có thu nhập thấp đang trở thành hiện thực. Diện mạo đô thị và các khu dân cư nước ta sẽ có những đổi thay tích cực. Gánh nặng nhà ở, một trong những nội dung của mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội cần thực hiện trong năm, cũng nhẹ bớt đi trên vai những nhà quản lý và người có thu nhập thấp trong xã hội!
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới