UBNDTP Hà Nội đề nghị: Tăng tốc dự án quy hoạch sông Hồng

Cập nhật 01/06/2009 11:20

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp để tăng tốc dự án Lập quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng, đoạn qua Hà Nội (trước khi mở rộng)...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp để tăng tốc dự án Lập quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng, đoạn qua Hà Nội (trước khi mở rộng). Theo ông Nguyễn Thế Thảo, cần thành lập Hội đồng thẩm định Quốc gia để xem xét bản quy hoạch này trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Lo di dân, tái định cư

Nói về dự án quy hoạch cơ bản sông Hồng, ông Nguyễn Văn Sửu - Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội cho biết, tổng vốn đầu tư thực hiện dự án không thể dừng lại ở con số 7 tỷ USD vì “quy mô dự án rất đồ sộ”. Cho rằng dự án phù hợp với định hướng quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch vùng Thủ đô cũng như những quy hoạch chuyên ngành khác đã được phê duyệt song ông Nguyễn Văn Sửu vẫn băn khoăn về tính khả thi của dự án.

“Số lượng di dân rất lớn, trên 170.000 dân, tương đương với dân số 1 quận của Hà Nội, chưa kể tính phức tạp của dân cư ngoài đê. Dự án có khả thi hay không liên quan rất lớn tới khâu GPMB, do vậy, cần đánh giá kỹ càng vấn đề này” - ông Nguyễn Văn Sửu nói.

Đồng ý với nhận định này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, ông Phí Thái Bình nói: “Dự án rất cần phải triển khai. Những bức xúc ở khu vực ngoài đê ai cũng nhìn thấy rõ. Song cân đối kinh tế để thực hiện dự án phải được xem lại. Quỹ đất dành ra tới gần 6.000ha thì số tiền 7 tỷ USD liệu có làm nổi không? Theo tôi là không nổi vì nhiều khu đô thị ở Hà Nội hiện nay chỉ rộng vài trăm ha thôi đã tốn hàng tỷ USD.” Cho rằng dự án quy hoạch cơ bản hiện chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ, có nguy cơ biến thành quy hoạch “treo”, ông Phí Thái Bình đề nghị: “Cần nhanh chóng thẩm định quy hoạch mới có thể tiến hành các bước tiếp theo”.

Không chỉ có khó khăn về GPMB hay cân đối kinh tế, theo Phó Chủ tịch UBND TP Trịnh Duy Hùng, quy hoạch thoát lũ sông Hồng, quy hoạch đê điều Hà Nội còn chưa được phê duyệt thì dự án còn chậm. “Nếu phải di dời tới 17 vạn dân sẽ rất phức tạp. Bên cạnh đó, vấn đề bồi lắng khi chỉnh trị sông Hồng cũng đang được các nhà khoa học quan tâm. Tại một số trạm bơm, bùn lắng tới trên 1m. Nạo vét như thế nào sẽ là bài toán khó...”. Ông Lê Quang Nhuệ - Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cũng cho rằng, dự án sẽ “đụng chạm” tới lợi ích của rất nhiều hộ dân sống ngoài đê nên khi triển khai, chắc chắn sẽ mắc phải nhiều vấn đề gai góc...

Thành phố muốn tăng tốc

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp để đẩy nhanh tiến độ dự án. Theo đó, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp với thành phố triển khai các công việc cần thiết để quy hoạch cơ bản sớm được phê duyệt. Hà Nội đề nghị Thủ tướng thành lập Hội đồng thẩm định quốc gia để thẩm định quy hoạch cơ bản.

Đồng thời, đề xuất Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề chính thức với Chính phủ Hàn Quốc đề nghị chính quyền thành phố Seoul hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật cho dự án để sớm hoàn thành và phê duyệt dự án theo cam kết đã ký giữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Thị trưởng Seoul.

Khẳng định tính cấp bách của dự án và mong muốn “sớm đưa quy hoạch vào cuộc sống”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đề nghị Thủ tướng chấp thuận lộ trình giai đoạn II của dự án lập quy hoạch cơ bản sông Hồng.

Theo đó, sau khi hoàn chỉnh và trình hồ sơ, tổ chức báo cáo Hội đồng thẩm định Quốc gia, thành phố sẽ hoàn chỉnh quy hoạch cơ bản theo ý kiến, yêu cầu của Hội đồng, trình Thủ tướng xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua (nếu các quy định pháp luật yêu cầu). Cuối cùng sau khi chỉnh sửa lại lần cuối theo chỉ đạo của Thủ tướng, Hà Nội sẽ trình quy hoạch để Thủ tướng phê duyệt và tổ chức công bố quy hoạch được duyệt theo quy định của pháp luật hiện hành.

90% người được hỏi muốn triển khai dự án

Phó Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội, ông Dương Đức Tuấn cho biết, kết quả thăm dò ý kiến người dân thông qua phiếu điều tra cho thấy, khoảng 90% số người được hỏi đề nghị nhanh chóng lập và phê duyệt quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng để quản lý và chớp thời cơ lập dự án đầu tư xây dựng. 10% số người còn lại chia thành 2 luồng ý kiến. Một là, đồng ý triển khai song chỉ nên chỉnh trang cục bộ một số khu vực. Hai là, băn khoăn, lo lắng về một số nội dung của dự án và chưa đồng ý triển khai thực hiện (chiếm khoảng 5%).


DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô