Tuân thủ quy luật thị trường

Cập nhật 12/05/2013 07:10

Sự phát triển của thị trường bất động sản (BĐS) trong thời gian qua đã sai lầm khi không lấy quy luật cung cầu làm căn bản. Vực dậy thị trường này cần quay về giá trị thực nhất: phù hợp với nhu cầu.

Sự phát triển của thị trường bất động sản (BĐS) trong thời gian qua đã sai lầm khi không lấy quy luật cung cầu làm căn bản. Vực dậy thị trường này cần quay về giá trị thực nhất: phù hợp với nhu cầu.

Thị trường BĐS Hà Nội trong quý I/2013, theo đánh giá của Hiệp hội BĐS Việt Nam vẫn ảm đạm, thậm chí có chiều hướng xấu, khi hầu hết các DN đều hạ giá sản phẩm tuy có nhúc nhắc bán được nhưng ở mức rất thấp, trên tổng lượng tồn kho.

Cụ thể một số dự án chung cư cao cấp tại Hà Nội, như Hapulico (Thanh Xuân) đã hạ mức bán xuống từ 33-34 triệu đồng/m2 xuống 24-26 triệu đồng/m2. Chung cư Sông Đà Hà Đông đã hạ giá căn hộ từ 22-24 triệu đồng/m2 xuống giá 17 triệu đồng/m2. Hay tổ hợp chung cư tại Trung Hòa - Nhân Chính, giá từ 40 xuống 37, 35 và nay dừng ở mức 29-30 triệu đồng/ m2. Sự thoái trào còn diễn ra ở các tổ hợp chung cư cao cấp như Madarin Garden của tập đoàn Hòa Phát, từ mức 40 triệu đồng/m2 đã tụt xuống 26 triệu đồng/m2. Chung cư Victoria (Q. Hà Đông) từ 26 triệu/m2 xuống còn 16 triệu đồng/m2. Chung cư Nam Cường (Dương Nội), từ 25 triệu đồng/m2 xuống còn 17 triệu đồng/m2…

Đại diện tập đoàn Hòa Phát cho biết, sự bắt buộc giảm giá không chỉ diễn ra ở phân khúc căn hộ chung cư, mà ngay cả phân khúc nhà liền kề, biệt thự cũng hạ giá vì lượng tồn kho lớn cùng những bài toán kinh tế "hậu” BĐS đang làm khó DN.

Đại diện dự án Sông Đà Hà Đông nhận định, người dân đang không có tiền do tình hình kinh tế khó khăn. Trước đây 5-6 tỷ đồng một căn vẫn có thể bán được. Hiện nay 600 đến 800 triệu đồng/căn cũng khó bán.

Để khắc phục bất hợp lý của BĐS trong thời gian qua, tại thời điểm này phải tìm mọi cách để đưa giá trị loại hàng hóa này phù hợp với thị trường, theo quy luật cơ bản nhất đó là cung và cầu. Ở đây, nhu cầu của người tiêu dùng BĐS trong nhiều năm không cao đến mức độ như những gì thị trường đang phản ánh. "Người mua ít, DN BĐS ra đời nhiều, dẫn đến những cái chết đã được dự báo”, chuyên gia kinh tế Trần Quang Vũ, giảng viên Luật kinh tế nhận định.

Vẫn theo ông Vũ, nếu ngành kinh tế không đi theo quy luật khách quan của thị trường, mà được hưởng sự ưu ái của nhà nước, đến một lúc nào đó không được hưởng ưu ái thì chắc chắn sẽ bị đảo thải”. Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam, chỉ khi nào thị trường BĐS trở về phù hợp với nhu cầu, sự phát triển mới được khơi dậy.

DiaOcOnline.vn - Theo Đại đoàn kết