Từ thực trạng nhà không phép: Gỡ từ gốc, dân mới đỡ khổ

Cập nhật 14/09/2013 09:32

Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu vực quy hoạch sẽ góp phần giải được bài toán “tạo điều kiện cho người thu nhập thấp được xây dựng hợp pháp”.

Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu vực quy hoạch sẽ góp phần giải được bài toán “tạo điều kiện cho người thu nhập thấp được xây dựng hợp pháp”.

“Thủ tục cấp phép xây dựng không khó, tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích được ghi nợ nên không phải là vấn đề vướng mắc nữa. Hiện bất cập lớn nhất là đất nông nghiệp không phù hợp quy hoạch, không được chuyển mục đích sử dụng đất ở nên không được xây dựng. Do đó cần xem xét tháo gỡ từ đây” - ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, nhận xét.

Theo ông Trường, ý kiến cho rằng nếu đất nông nghiệp không phù hợp quy hoạch được phép xây dựng thì sau này sẽ khó khăn trong công tác bồi thường chủ yếu xuất phát từ việc lo ngại tiền sử dụng đất thu vào thì thấp nhưng khi bồi thường cho dân lại cao, không làm xuể. “Nhưng đó là sự hơn thua với người dân, cứ tính đúng tính đủ và sòng phẳng với nhau thì sẽ không lo chuyện đó” - ông bày tỏ.


Thi công nhà ở trên đất nông nghiệp. Ảnh: HTD

Ông Trường đề xuất, trong thời gian chờ thực hiện quy hoạch vẫn có thể cho phép người dân chuyển mục đích sang đất ở, thu tiền sử dụng đất và khi thực hiện quy hoạch sẽ bồi thường cho họ theo giá đất ở. Đi kèm việc cho phép chuyển mục đích là quy định giới hạn quy mô công trình để tránh lãng phí sau này khi tháo dỡ. “Trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và giấy phép xây dựng sẽ thông báo rõ về tình trạng đất đang có quy hoạch để cảnh báo cho người dân phải cân nhắc trước khi đầu tư hoặc nhận chuyển nhượng. Người sử dụng đất phải cam kết chấp hành khi Nhà nước thực hiện quy hoạch” - ông nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên nhưng ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, nhấn mạnh: Một trong những điều kiện để được xem xét chuyển mục đích là phải có hạ tầng kỹ thuật. Nếu khu vực đất nông nghiệp tiếp giáp với đường giao thông đã có sẵn thì tương đối thuận tiện vì người dân có mốc để nhìn theo khi làm nền nhà.

“Còn nếu không có hạ tầng kỹ thuật, không kết nối với các khu vực khác thì việc chuyển mục đích sử dụng đất và cho xây nhà sẽ tạo ra những khu dân cư không đảm bảo điều kiện cơ bản như điện, nước, giao thông… cho người dân sinh sống tại đó” - ông Tuấn lưu ý.

Ngoài vấn đề quy hoạch, cải cách thủ tục hành chính cũng là vấn đề được rất nhiều quận, huyện, sở, ngành nhắc tới. Sở TN&MT TP.HCM nêu quan điểm: “Vấn đề là phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho dân”. Bà Đặng Thị Hồng Liên, Phó Chủ tịch UBND quận 9, cũng khẳng định: Để dân có chỗ ở hợp pháp, cần phải tăng cường cải cách hành chính để giải quyết cấp phép cho dân nhanh nhất. Cạnh đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền các thủ tục xin phép xây dựng, các hình thức xử lý vi phạm (nếu có) để người dân biết.

Để người dân không vi phạm về xây dựng, ngoài việc kiên quyết giữ trật tự xây dựng thì Nhà nước phải thực hiện tốt quy hoạch. Có nhiều cách thức thực hiện, chẳng hạn như cho người dân tham gia góp ý từ đầu hoặc điều chỉnh quy hoạch cho uyển chuyển, khả thi hơn như quy hoạch ấp Doi, phường 15, Gò Vấp từ toàn cây xanh thành khu hỗn hợp có dân cư…

Ông TRẦN ANH TUẤN, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP