Từ nay đến 2020, Việt Nam cần đầu tư hàng chục tỷ USD (khoảng 15-20% tổng GDP) để đáp ứng các mục tiêu phát triển đô thị. Đây là khoản vốn rất lớn...
Từ nay đến 2020, Việt Nam cần đầu tư hàng chục tỷ USD (khoảng 15-20% tổng GDP) để đáp ứng các mục tiêu phát triển đô thị. Đây là khoản vốn rất lớn, đòi hỏi huy động từ nhiều nguồn ngoài ngân sách.
Tốc độ đô thị hóa nhanh, các đô thị ngày một “phình ra”. Những hoạt động phát triển đô thị theo đó ngày càng có quy mô lớn hơn và đa dạng hơn. Lúc này nguồn lực Nhà nước sẽ không thể gánh hết. Vai trò của các nguồn lực khác ngoài nhà nước là không thể thiếu.
Nhà nước không thể ôm hết…
Một lượng lớn các dự án đầu tư phát triển, công nghiệp, kết cấu hạ tầng... trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và từ đó, tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam có sức lan tỏa rộng hơn. Số liệu thống kê cho thấy, nếu năm 1997 đạt 20,5%, thì chỉ sau có hai năm tốc độ đô thị hoá đã tăng lên 23,6% và hiện đạt 28%. Theo dự báo của Bộ Xây dựng, năm 2020, tốc độ đô thị hoá tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 45%. Riêng hai TP loại đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, tỷ lệ đô thị hóa được dự kiến đạt 30 - 32% năm 2010 và nhảy vọt thành 55 - 65% vào năm 2020. Đi cùng sự phát triển này sẽ cần một nguồn vốn khổng lồ để đầu tư phát triển đô thị. Nhà nước sẽ không thể tự ôm hết.
Mặc dù trong những năm qua, Nhà nước ưu tiên đầu tư khoảng 13,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho phát triển hơn 730 đô thị hiện có, nhưng nguồn vốn này lại phân bổ chưa hợp lý và đồng đều; hệ thống giao thông đô thị ở các thành phố lớn, các khu vực đô thị phát triển chưa được quy hoạch và đầu tư hoàn chỉnh... Một trong những nguyên nhân của thực trạng này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là do nhiều tồn tại trong việc thu hút và đầu tư hạ tầng đô thị tại Việt Nam, như việc hoàn thiện chính sách đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích đầu tư từ khu vực tư nhân vào hạ tầng đô thị với các hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao), BT (xây dựng-chuyển giao) và BTO (xây dựng-chuyển giao- kinh doanh).
Ngân hàng Thế giới ước tính, thiệt hại kinh tế của Việt Nam do thiếu quản lý nước thải và chất thải lên đến 1,3% GDP. Trong khi đó, chỉ riêng khoản vốn dự tính dành cho công trình xử lý nước thải đến 2010 cần khoảng 2,8 tỷ USD. Đây chỉ là một trong rất nhiều khoản chi cho đô thị mà ngân sách nhà nước không thể gánh nổi.
“Bánh ngon” tư nhân khó có phần?
Thực tế thời gian qua tại hai đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM cho thấy, cần phải tính đến việc chuyển giao dần và mạnh hơn nữa cho khu vực tư nhân tham gia phát triển đô thị. Hiện, hầu hết các dự án phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật lớn ở đô thị đều vẫn “nằm” trong tay các doanh nghiệp nhà nước. “Miếng bánh” ngon này các doanh nghiệp tư nhân khó có thể mong được ngồi “chung mâm”. Thường thì sự có mặt của họ chỉ ở hàng “B phẩy” (thậm chí nhiều phẩy). Nhiều dự án tốc độ triển khai quá chậm chạp (cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy - Hà Nội), tiến độ thi công kiểu rùa bò, thậm chí có công trình chưa xong đã hỏng nặng (như cầu Văn Thánh - TP HCM). Thế nhưng, chẳng ai phải chịu trách nhiệm trước những thiệt hại về sự chậm trễ cũng như chất lượng không bảo đảm của các công trình ấy.
Cho đến bây giờ, chúng ta cũng chưa thấy xuất hiện các tập đoàn phát triển đô thị lớn nào để đủ sức đảm nhiệm các công trình “cho ra tấm ra món” ngay trong nước (chưa nói là để vươn ra nước ngoài) mà hầu hết chỉ là những doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc lớn hơn cũng chỉ có số vốn vài ngàn tỷ đồng. Chúng ta cũng đang manh nha cho ra đời một số tập đoàn về đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản, kinh doanh và phát triển nhà đô thị… Nhưng cho đến nay, bất cứ một dự án phát triển nhà ở cao tầng hay khu dân cư được coi là “tử tế” ở Hà Nội hay TP HCM đều có bóng dáng các công ty nước ngoài.
Hướng tới là đối tác bình đẳng
Theo các chuyên gia kinh tế, trong rất nhiều hạng mục phát triển quan trọng của một đô thị, tư nhân có thể tham gia và làm tốt các hoạt động như: thu gom và tái chế rác thải công nghiệp, các dịch vụ giao thông vận tải, dịch vụ buôn bán nhỏ, cung cấp nước sạch, an sinh xã hội, thông tin liên lạc, năng lượng và y tế, giáo dục… Việc cung ứng các loại dịch vụ đô thị này các doanh nghiệp nhà nước bấy lâu không thể làm tốt hơn. Xu hướng chuyển giao dần toàn bộ các dịch vụ xã hội cho tư nhân cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ. Đã xuất hiện các chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại nhiều đô thị. Hàng loạt trường học dân lập, tư thục ra đời. Thành phần kinh tế tư nhân đang tự khẳng định vị trí của mình trong việc tham gia phát triển đô thị và quản lý đô thị với tư cách là một chủ thể xã hội đích thực.
Tuy nhiên, để thu hút nguồn lực rất lớn từ trong dân vào phát triển đô thị thì những chính sách về tín dụng, về qui hoạch cần phải được minh bạch hơn nữa. Coi tư nhân là đối tác quan trọng nhất cùng nhà nước trong phát triển đô thị. Các cơ quan nhà nước cần chuyển dần từ “ban phát” sang là người bảo vệ (bằng pháp luật), hỗ trợ (bằng chính sách), tạo điều kiện (vật chất và tinh thần) cho đô thị phát triển. Lúc đó, Nhà nước sẽ đóng vai trò là “nhà tổ chức” và “điều phối viên” đảm bảo cho mọi nguồn lực xã hội được huy động tối đa, hiệu quả và các thành phần tham gia bình đẳng vào phát triển đô thị.
Minh bạch hóa hoạt động dịch vụ hạ tầng đô thị
Theo ước tính của WB, năm 2010 Việt Nam cần đầu tư khoảng 18 tỷ USD cho hạ tầng cơ sở, năm 2020 con số này lên tới 46 tỷ USD. Đây là những khoản đầu tư rất lớn, đòi hỏi huy động từ nhiều nguồn ngoài ngân sách. Vì vậy, cần tạo môi trường thông thoáng để khuyến khích tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Để thu hút vốn, các dịch vụ hạ tầng đô thị phải xây dựng được uy tín tín dụng. Các hoạt động dịch vụ hạ tầng đô thị phải trở nên minh bạch hơn và được kiểm toán độc lập. Đặc biệt, cần xây dựng những quy định cơ bản định hướng cho quan hệ đối tác giữa nhà nước và tư nhân để tránh những mâu thuẫn quyền lợi, xây dựng niềm tin đối với những đối tác góp vốn.
(Tiến sĩ Đỗ Tú Lan, Cục phát triển đô thị - Bộ Xây dựng)
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt