Từ chợ đến trung tâm thương mại: Một hướng đi phù hợp

Cập nhật 06/08/2007 09:00

Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 100 chợ các loại, trong đó có một số chợ quy mô lớn, tại những địa điểm đắc địa trong nội thành và là những điểm giao thương sầm uất như ...

Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 100 chợ các loại, trong đó có một số chợ quy mô lớn, tại những địa điểm đắc địa trong nội thành và là những điểm giao thương sầm uất như các chợ Hàng Da, 19-12, Mơ, Hôm - Đức Viên...

Tuy vậy, qua thời gian sử dụng, nhiều chợ đã bộc lộ những hạn chế; phần lớn rơi vào tình trạng quá tải vì thiếu diện tích, thiết kế và trang thiết bị lạc hậu, không thể đáp ứng tiêu chí văn minh thương mại thời hội nhập. Vấn đề đặt ra là tìm giải pháp để đầu tư xây dựng, chuyển đổi nhằm tạo ra những trung tâm thương mại (TTTM) gắn với chức năng chợ mới tại các địa điểm nói trên.

Đây cũng là nội dung quan trọng trong quy hoạch, phát triển hệ thống chợ, siêu thị và TTTM trên địa bàn đến năm 2010 và những năm sau nhằm đưa Hà Nội thật sự trở thành trung tâm thương mại tiêu biểu ở khu vực phía Bắc và của cả nước. UBND thành phố chủ trương chuyển các chợ thành những TTTM hiện đại.

Trong đó các TTTM và siêu thị xây mới đều dành một phần diện tích thỏa đáng ở tầng 1 làm chợ dân sinh với những gian hàng gắn chặt với đời sống của người dân. Cụ thể, các hộ buôn bán những mặt hàng thực phẩm tươi sống, hàng khô, dưa cà, rau củ quả... sẽ được chủ đầu tư nghiên cứu phương án bố trí chỗ ngồi bằng những quầy sạp quy chuẩn, vị trí hợp lý với diện tích phù hợp hơn.
 
Mặt khác, do các TTTM được xây mới theo thiết kế hiện đại nên các hộ kinh doanh sẽ được hưởng những điều kiện tốt về mỹ thuật, cảnh quan và nhất là an toàn về môi trường, không khí, phòng chống cháy nổ. Những tầng trên sẽ sắp xếp các gian hàng điện máy, công nghệ phẩm, thực hiện dịch vụ, văn phòng nhằm tạo ra mô hình kết hợp giữa chợ truyền thống và phương thức kinh doanh, dịch vụ hiện đại.

Thời gian qua, UBND thành phố đã chỉ đạo các quận lập hồ sơ, lập phương án huy động vốn theo hướng xã hội hóa để đầu tư xây dựng lại các chợ. Các quận, huyện căn cứ hiện trạng, từng bước triển khai và đến nay, một số chợ đã hoàn chỉnh phương án đầu tư cải tạo.

Theo đó, chợ Cửa Nam đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương tại Công văn 3263/UB-CN ngày 10-9-2004 cho Cty TNHH Phát triển Mỹ thuật Hà Nội là chủ đầu tư xây dựng và khai thác. Quy mô dự án gồm 9 tầng nổi, 2 tầng hầm. Đến nay, Cty đã được UBND thành phố cấp Giấy chứng nhận đầu tư và quyết định cho thuê đất. Hiện Cty đang cùng UBND quận Hoàn Kiếm thống nhất phương thức triển khai, định giá tài sản, bộ máy BQL, phương án tái bố trí hộ kinh doanh tại chợ cũ… Dự kiến quí III/2007, dự án sẽ khởi công.

Chợ 19-12, được UBND thành phố chấp thuận chủ trương tại Văn bản 4946/UB - KH & ĐT ngày 31-12-2004 và Thông báo số 170/TB - UB ngày 1-7-2005 giao Cty TNHH Thủ Đô II lập dự án đầu tư xây dựng TTTM - Dịch vụ chợ 19-12.
 
UBND thành phố đã có thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố về qui mô kiến trúc của dự án. Dự án chia làm 2 khối: Khối 7 tầng phía đường Lý Thường Kiệt và khối 17 tầng phía đường Hai Bà Trưng với chức năng thương mại và văn phòng cho thuê. Hiện Cty đang hoàn chỉnh hồ sơ theo hướng dẫn của Sở Qui hoạch - Kiến trúc để dự định khởi công vào đầu năm 2008.

Chợ Hàng Da đã được UBND thành phố ra Quyết định 1035/QĐ - UB ngày 27-2-2006 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng với qui mô cao 4 tầng, 1 tầng hầm, tổng mức đầu tư 91 tỷ đồng. Ngày 6-2-2007, UBND thành phố ra Quyết định 529/QĐ - UBND thành lập Hội đồng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng chợ, giao Sở Kế hoạch - Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng.
 
Đến 30-5-2007, Hội đồng đã trình thành phố kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng chợ. UBND thành phố đã ra Quyết định 2304/QĐ - UBND phê duyệt Liên danh Cty cổ phần Xây dựng Sông Hồng và Cty cổ phần Nhất Nam là đơn vị trúng thầu. Qui mô dự án cao tối đa 16m, có 2 tầng hầm, tổng mức đầu tư đề xuất 101 tỷ đồng. Hiện liên doanh đang làm thủ tục thuê đất tại Sở Tài nguyên Môi trường & Nhà đất. Dự kiến công trình khởi công quí III-2007. Một số chợ khác như chợ Bưởi, chợ Hôm - Đức Viên… cũng đã và đang được triển khai theo hướng trên và sẽ trở thành những TTTM hoặc siêu thị bề thế, trong khi vẫn bảo đảm những nhu cầu dân sinh.

Ông Hồ Quốc Khánh, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Thương mại) khẳng định, việc đầu tư xây dựng, chuyển đổi các chợ lớn trong nội thành thành những TTTM là định hướng hợp lý, phù hợp với yêu cầu phát triển thương mại nội địa lâu dài trong điều kiện hội nhập, phục vụ nhu cầu tiêu thụ gia tăng liên tục và tiếp cận những tiêu chuẩn thương mại quốc tế hiện đại.

Nhưng điều đó không có nghĩa là làm lu mờ chức năng buôn bán hàng thực phẩm, rau quả của các chợ mà ngược lại những chức năng này sẽ được thể hiện trong điều kiện tốt hơn. Ông Khánh cho biết, các chủ đầu tư đều được thành phố chỉ đạo tinh thần quan tâm, thu xếp chỗ kinh doanh thuận lợi cho bà con tại chỗ sau khi các dự án TTTM đi vào hoạt động, nhằm bảo đảm quyền lợi và ổn định đời sống lâu dài.

Hy vọng, với sự chỉ đạo của thành phố, sự nỗ lực của các nhà đầu tư, Hà Nội sẽ sớm hình thành hệ thống TTTM hiện đại, đủ sức đáp ứng nhu cầu dân sinh và phù hợp những tiêu chí văn minh thương mại thời hội nhập.

Theo Hồng Sơn - Hà Nội Mới