TT Tài chính Thương mại Điện lực được "phù phép" cao gấp đôi!?

Cập nhật 29/11/2007 15:00

So với độ cao tối đa do Bộ Xây dựng quy định trước đó với độ cao tối đa do Bộ Xây dựng chấp thuận, công trình Trung tâm Tài chính Thương mại Điện lực...

So với độ cao tối đa do Bộ Xây dựng quy định trước đó với độ cao tối đa do Bộ Xây dựng chấp thuận, công trình Trung tâm Tài chính Thương mại Điện lực (Hà Nội) đã “vênh” 30 m.

Một khối công trình có bề dày cả trăm mét và cao từ 16 đến 54 m kéo từ phía bờ hồ Hoàn Kiếm (phố Đinh Tiên Hoàng) đến phố Lý Thái Tổ. Khối công trình như một cánh cung bê tông ôm lấy Hồ Gươm. Khi đó, hồ Hoàn Kiếm sẽ chỉ còn như một chiếc ao làng bé nhỏ.

Trung tâm Tài chính Thương mại Điện lực dù được phác thảo như vậy song vẫn được người ta tô vẽ là: “quần thể kiến trúc có tính thẩm mỹ cao, làm đẹp cảnh quan, phát triển không gian thương mại phục vụ nhân dân Thủ đô, khách tham quan du lịch khu vực Hồ Gươm”.

Bỏ quên quy hoạch

Khi tiếp cận với Thông báo 200, ngày 20/7/2007 của Bộ Xây dựng, nhiều người sẽ đặt câu hỏi, căn cứ nào để Bộ Xây dựng đưa ra những kết luận như vậy? Hồ Gươm là một địa danh đã ăn sâu trong tâm trí người dân Việt Nam với những cái tên được nhắc đến với đầy sự trân trọng như: Đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa, Bưu điện Bờ Hồ, Tháp Bút...

Và vì lẽ đó, mười năm về trước xung quanh Hồ Gươm đã có nhiều công trình buộc phải “đắp chiếu” vì xâm phạm đến khu vực địa linh này như: Khách sạn Vàng, tòa nhà Hàm Cá mập...

Để việc quản lý xây dựng khu vực nhạy cảm này được thống nhất, ngày 3/8/1996, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Ngô Xuân Lộc (khi đó) đã ký Quyết định số 448 “Phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Gươm và phụ cận”. Ranh giới khu vực được xác định tại phía Bắc:

Các phố Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng; Phía Nam: đường Hai Bà Trưng; Phía Tây: Đường Quang Trung và các phố Nhà Chung, Nhà Thờ, Hàng Trống; Phía Đông: Các đường Nguyễn Hữu Huân, Lý Thái Tổ, Phan Chu Trinh, tòa nhà Ngân hàng Nhà nước, Quảng trường Cách mạng Tháng Tám.

Về định hướng kiến trúc và cảnh quan đô thị, Quyết định này chỉ rõ: Các công trình mới phải phù hợp với các quy định về kiến trúc đô thị và với các thông số quản lý quy hoạch xây dựng đối với từng lô phố được quy định trong đồ án Quy hoạch chi tiết và điều lệ quản lý quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Gươm và phụ cận. Toàn bộ khu vực này có diện tích 63,7ha.

Căn cứ quyết định của Bộ Xây dựng, ngày 6/1/1997 ông Hoàng Văn Nghiên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khi đó đã ký Quyết định số 45 ban hành Điều lệ quản lý xây dựng theo quy hoạch khu vực Hồ Gươm và phụ cận.

Theo bản điều lệ này, lô đất mà EVN dự kiến xây dựng Trung tâm Tài chính Thương mại Điện lực là một nửa lô đất có ký hiệu L15 được bao bọc bởi các tuyến phố: Đinh Tiên Hoàng - Lò Sũ - Trần Nguyên Hãn - Lý Thái Tổ với diện tích 28.000 m2.

Theo bản điều lệ này, mật độ xây dựng tại lô đất là 64%, tầng cao trung bình là 3,8m; Hệ số sử dụng đất chỉ là 2,39 lần...

Như vậy, có thể thấy rằng, về hai chỉ tiêu nói trên, Bộ Xây dựng (bằng Thông báo 200 ngày 20/7/2007) đã bỏ qua các quy định của thành phố Hà Nội, bỏ qua quy hoạch của chính Bộ Xây dựng ban hành trước đó để cho phép công trình có hệ số sử dụng đất đạt 4 - 4,5 lần; Mật độ xây dựng đạt 65 đến 70% (!?).

“Đội” chiều cao 2 lần



Khách sạn Điện lực trên phố Lê Thái Tổ
 có chiều cao không quá 24m rồi sẽ bị đập
 bỏ để xây công trình 54m.


Đối với chiều cao công trình, trong khi quan điểm tổ chức không gian do Viện Quy hoạch đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng) lập thì công trình mặt tiền đường Đinh Tiên Hoàng có chiều cao tối đa là 16m. Các công trình tại lô đất L15 có độ cao tối đa là 24m.

Hơn thế, bản quy hoạch cũng đề cập đến khối công trình mặt tiền đường Lý Thái Tổ có chiều cao không quá 20m.

Thế nhưng, tại Thông báo 200, Bộ Xây dựng đã chấp thuận độ cao khối công trình phía đường Đinh Tiên Hoàng từ 16 đến 18m. Các khối công trình cao dần về phía đường Lý Thái Tổ và đạt đỉnh cao nhất tại mặt tiền phố Lý Thái Tổ là 54 m.

Và để trấn an dư luận, Bộ Xây dựng còn viện dẫn: “Ở khu vực này đã có các công trình cao tầng như tòa nhà Tungshing Square, tòa nhà Vietcombank”.

Như vậy so với độ cao tối đa do Bộ Xây dựng quy định trước đó với độ cao tối đa do Bộ Xây dựng chấp thuận tại Thông báo 200 đã “vênh” 30 m. Đặc biệt, độ cao công trình tại mặt tiền phố Lý Thái Tổ đã “đội” lên tới 34 m.

Trước những quyết định lạ lùng và đầy mâu thuẫn của Bộ Xây dựng - đơn vị chuyên ngành về quy hoạch này, dư luận không khỏi đặt câu hỏi: Liệu các bản quy hoạch được vẽ ra và phê duyệt có giá trị thực? Hay chúng chỉ là “con ngáo ộp” trước những người dân chân chất. Còn bản quy hoạch thực sự lại nằm ở... “ý chí của một số người có thế lực” nào đó?

Theo Tiền Phong