TS Alan Phan cho rằng, nếu không có gì thay đổi về giá cả thì tình trạng bất động sản sẽ đóng băng kéo dài cho đến năm 2014, 2015, 2016...
Năm 2013 kết thúc được đánh giá vẫn còn nhiều khó khăn thách thức đối với nền kinh tế nói chung và đặc biệt là thị trường bất động sản nói riêng mặc dù, đã có nhiều chính sách được Chính phủ đưa ra mà tiêu biểu là gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho thị trường. Song, với tốc độ giải ngân quá ì ạch đã gây thất vọng ít nhiều thể hiện ra không chỉ với các đối tượng hưởng thụ mà ngay cả chính những người làm chính sách và các ngân hàng tham gia chương trình.
Khái quát về thị trường bất động sản Việt Nam trong năm qua, TS Alan Phan cho rằng, thực tế, mấu chốt của vấn đề bất động sản Việt Nam hiện nay vẫn là về giá cả.
TS Alan Phan.
|
"Vấn đề bất động sản ở Việt Nam không phải là vấn đề nhu cầu vì nhu cầu rất lớn, cũng không phải là vấn đề người dân không có tiền, tiền của dân rất nhiều dù bất cứ phân khúc nào. Quan trọng và cũng là câu hỏi mấu chốt của bất động sản Việt Nam đó là “giá bất động sản có phù hợp với túi tiền của người dân hay không?”
Giá thị trường còn cao vì các công ty địa ốc luôn nói giá như vậy là sát lắm rồi, không thể bán dưới giá vì sẽ lỗ. Nhưng nếu lỗ thì ai bắt ông làm nên vấn đề lỗ lãi là vấn đề của doanh nghiệp, giá thị trường là giá thị trường người dân thấy đúng giá họ sẽ mua, không đúng giá họ sẽ chê.
Xin nhớ rằng, giá thị trường không phải là giá do doanh nghiệp định đoạt. Giá đó là mức mà người dân có đủ tiền để mua. Trong quan hệ mua bán, làm thế nào để người ta chịu móc tiền túi ra mới là điều quan trọng.
Chẳng hạn, một chiếc iPhone được làm ra hết 100 USD, nếu doanh nghiệp bán 500 USD mà người dân thấy có thể mua được thì họ vẫn mua. Còn nếu chi phí làm đến 800 USD và người dân không thể mua được thì bắt buộc phải bán 500 USD và chịu lỗ thôi.
Những nhà đầu tư nhất định không xuống giá trong khi thu nhập của người dân giỏi lắm chỉ tăng khoảng 10% trong vòng vài năm tới thì giá bất động sản cũng còn xa cách như vậy thì thị trường không có gì thay đổi. Như vậy, thị trường không lên không xuống mà sẽ đi ngang.
Sẽ không có bất kỳ sự chuyển động nào của thị trường bất động sản cho đến khi 1 trong 2 vấn đề là thu nhập của người dân tăng hoặc giá bất động sản phải giảm xảy ra. Không cần giải pháp của nhà nước hay bất kỳ ai, vấn đề là để thị trường lo liệu. Nếu không có gì thay đổi về giá cả thì tình trạng bất động sản sẽ đóng băng cho đến năm 2014, 2015, 2016... ", TS Alan Phan phân tích.
Trước ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam năm qua đã đi qua đáy, TS Alan Phan nhấn mạnh:
"Tôi không quan tâm đến đáy hay không đáy. Giá thị trường có thể đi ngang, đi lên hoặc đi xuống. Quan trọng là thu nhập của người dân như thế nào, để lúc nào đấy hai yếu tố này gặp nhau, tức thì thị trường sẽ chuyển động.
Tất cả các dự báo, đặc biệt là của các chuyên gia, ngay cả tôi đây thì cũng đều có thể sai hết. Còn thống kê dự báo hiện nay của Việt Nam thì cũng chưa đủ sức thuyết phục. Thực sự thì đến thời điểm này tôi vẫn thấy giá bất động sản chưa phù hợp với giá thị trường, nên cần phải làm thế nào để giá phải xuống thấp hơn nữa mới tiêu thụ được".
Đánh giá về gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ đối với thị trường bất động sản, TS Alan Phan bày tỏ: "Với gói hỗ trợ 30.000 tỷ, cá nhân tôi cho rằng, đây là một chiêu PR vì thực tình không ai muốn bỏ tiền ra trong thời điểm ngân sách đang thiếu hụt, rất nhiều thứ để chi như thế này.
Thêm nữa, nếu chỉ việc đưa tiền cho người dân, doanh nghiệp vay thì xài hết 30.000 tỷ đồng ngay. Còn nếu cứ đòi hỏi điều kiện này, điều kiện kia thì còn lâu mới xài hết. Thị trường có thể sẽ tốt lên nếu như các thủ tục rườm rà được loại bỏ...".
Nhìn nhận về tình hình bất động sản trong năm 2014 cũng như các năm tiếp theo, TS Alan Phan cho hay: "Thực tế tôi đã rút ra khỏi thị trường Việt Nam từ vài năm nay và tôi cũng không tin vào các bản báo cáo nên cũng không thể nào đưa ra nhận định hay lời khuyên cho người dân, doanh nghiệp trong năm tới.
Tôi cũng hoàn toàn không phê bình tốt, xấu về triển vọng gì của thị trường. Nếu như thị trường bất động sản Việt Nam là một thị trường đúng nghĩa còn hiện nay, mặc dù gọi là thị trường nhưng đằng sau đó là cả một “hậu trường”.
Nếu có tiền, trong thời gian tới tôi cũng không bỏ tiền vào bất động sản, vì giá vẫn chưa phù hợp với khả năng của người dân. Và trên thực tế, khả năng phục hồi của thị trường vẫn là một điều khá mơ hồ".
DiaOcOnline.vn - Theo Trí thức trẻ