Trước khi xây, sửa phải khảo sát nhà liền kề

Cập nhật 15/12/2009 08:05

Trước khi khởi công xây dựng nhà ở, chủ nhà phải ghi nhận hiện trạng của các nhà lân cận. Đó là một trong những nội dung của thông tư 39 hướng dẫn về quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ vừa được Bộ Xây dựng ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-2-2010.

Trước khi khởi công xây dựng nhà ở, chủ nhà phải ghi nhận hiện trạng của các nhà lân cận. Đó là một trong những nội dung của thông tư 39 hướng dẫn về quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ vừa được Bộ Xây dựng ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-2-2010.

Từ ngày 1-2-2010, xây nhà, sửa nhà phải ghi nhận hiện trạng nhà liền kề - Ảnh: T.T.D.


Vì sao phải làm việc này? Ông Lê Quang Hùng, cục trưởng Cục Giám định xây dựng Bộ Xây dựng, giải thích:

Trước nay, việc xây dựng công trình thường hay phát sinh mâu thuẫn giữa chủ công trình và các nhà lân cận - không nhiều thì ít - do quá trình thi công gây ảnh hưởng. Đây là một thực tế cần giải quyết, nếu không sẽ gây ra nhiều phức tạp.

Việc kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận cũng như làm cơ sở để giải quyết tranh chấp phát sinh giữa chủ công trình với các chủ nhà lân cận. Để hạn chế tình trạng này, trước khi phá dỡ công trình cũ hoặc thi công công trình nhà ở mới, chủ công trình cần chủ động phối hợp với các hộ liền kề kiểm tra hiện trạng những căn nhà này.

* Ai thực hiện việc này: chủ công trình hay cơ quan nhà nước và nội dung kiểm tra hiện trạng gồm các nội dung gì, thưa ông?

Chủ công trình có thể tự kiểm tra hoặc thuê tổ chức, cá nhân có năng lực để thực hiện.

Nội dung kiểm tra gồm: tình trạng lún, nghiêng, nứt, thấm dột và các biểu hiện bất thường khác của nhà liền kề. Kết quả kiểm tra này phải được lập bằng văn bản hoặc ghi nhận bằng hình ảnh, băng từ.

Có thể hai bên tự thỏa thuận miệng với nhau cũng được nhưng tốt nhất nên chọn một trong các hình thức trên, vì đây là cơ sở để làm chứng cứ sau này nếu có phát sinh sự cố. Nếu cần thiết có thể tiến hành đo đạc, đánh dấu các biểu hiện hư hỏng trên bề mặt công trình để tiện theo dõi sau đó.

* Nhưng không phải nhà lân cận nào cũng đồng ý cho chủ công trình khảo sát?

Kết quả kiểm tra hiện trạng phải được sự thống nhất giữa chủ công trình với các chủ nhà lân cận và có sự chứng kiến của đại diện UBND phường, xã hoặc đại diện của tổ dân phố, nếu cần. Có thể phát sinh tình huống là hai bên không thỏa thuận được hoặc chủ nhà lân cận không cho khảo sát để ghi nhận hiện trạng. Lúc này hai bên cần thương lượng để tìm sự đồng thuận với nhau.

Nếu chủ nhà lân cận vẫn không đồng ý cho khảo sát thì chủ công trình nên báo với UBND phường, xã hoặc đại diện tổ dân phố để yêu cầu các chủ nhà lân cận phải phối hợp kiểm tra. Trường hợp các chủ nhà này tiếp tục không hợp tác kiểm tra thì chủ công trình vẫn thực hiện việc thiết kế, thi công xây dựng nhà ở bình thường và không nhất thiết tất cả trường hợp đều phải có sự thỏa thuận.

Trong trường hợp nhà lân cận không hợp tác thì mọi chứng cứ về hư hỏng công trình liền kề, lân cận do các chủ nhà này đưa ra sau đó sẽ không được công nhận nếu có tranh chấp xảy ra. Khi đó, vụ việc có thể sẽ được giải quyết tại tòa án theo Luật dân sự.

* Thông tư có đề cập là khi tháo dỡ công trình, xây dựng công trình mới ngoài thông báo cho UBND phường, xã còn phải thông báo cho các chủ nhà lân cận biết?

Trước khi phá dỡ công trình nên thông báo cho các chủ nhà lân cận biết để họ theo dõi, hạn chế rủi ro xảy ra. Tương tự, khi xây nhà cũng thông báo cho các chủ nhà lân cận biết trước bảy ngày, có thể bằng miệng, không nhất thiết bằng văn bản.

Việc tháo dỡ công trình phải do đơn vị có năng lực và kinh nghiệm thực hiện. Đơn vị tháo dỡ phải có phương án được phê duyệt, đảm bảo an toàn cho người, tài sản và các công trình liền kề, lân cận. Bên cạnh đó phải đảm bảo về môi trường, an ninh trật tự...


DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO