Trung tâm thương mại, chưa trúng đối tượng

Cập nhật 04/05/2013 09:06

Theo CBRE, điểm sáng của thị trường mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội trong quý I/2013 là việc mở cửa trở lại của Tràng Tiền Plaza. Giá thuê trung bình của TTTM tổng hợp tăng 3% so với quý trước đó, chủ yếu do giá thuê cao của Tràng Tiền Plaza.

Bí ẩn xung quanh Dự án Trung tâm thương mại Tràng Tiền (Tràng Tiền Plaza)... vẫn là bí ẩn.

Về mặt cảm quan, phần đông khách đến với Trung tâm vẫn chỉ dừng ở mức “xem cho biết”. Kinh doanh mặt bằng bán lẻ luôn là thách thức.

Kinh phí đầu tư một gian hàng đạt chuẩn hạng sang tại Tràng Tiền Plaza dao động từ 4 - 12 triệu USD

Chưa trúng đối tượng?

Đối với lời khuyên của các chuyên gia bất động sản về một dự án đáng để đầu tư là “vị trí, vị trí và vị trí” thì có lẽ Tràng Tiền Plaza đứng số một so với các trung tâm thương mại (TTTM) khác tại Hà Nội. Về thương hiệu thì không chỉ người dân Hà Nội, mà có lẽ hàng triệu người dân cả nước biết đến cái tên “Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền” khi một thời gian dài, lộ trình về thăm Thủ đô là “Viếng Lăng Bác, chơi Bờ Hồ, thăm Bách hóa, ăn kem Tràng Tiền”.

Về đầu tư thì sau một thời gian “qua tay” nhiều chủ, cả tư nhân và nhà nước, đến nay Tràng Tiền Plaza đã được một nhà đầu tư Việt kiều có tên tuổi đầu tư đến 400 tỷ đồng chỉ để chỉnh trang lại. Bằng uy tín của mình, vị này còn kêu gọi được nhiều nhà đầu tư và các thương hiệu lớn “rót” 150 triệu USD (tương đương 3.000 tỷ đồng) vào đây. Kinh phí đầu tư một gian hàng đạt chuẩn hạng sang tại Tràng Tiền Plaza dao động từ 4 - 12 triệu USD, có chuyên viên quốc tế giám sát thi công theo tiêu chí khắt khe.

Vậy nhưng, chỉ sau khi đi vào hoạt động 1 tháng, theo ghi nhận của ĐTCK, lượng khách mua hàng tại đây khá thưa thớt, ngay cả trong những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua. Tại nhiều gian hàng của các thương hiệu lớn, nhân viên bán hàng phải ra tận cửa chào mời khách vào tham quan, nhưng đa phần chỉ nhận được cái lắc đầu. Đông nhất là tầng trên cùng, nơi có những gian hàng Việt bán những sản phẩm với giá bình dân, đặc biệt là khu vực bán đồ ăn nhanh, nơi khách hàng có thể vừa nghỉ chân, vừa thưởng thức một que kem với giá 5.000 đồng.

Theo nhiều khách hàng, nguyên nhân chính khiến Tràng Tiền Plaza không được quan tâm nhiều là do thiếu sự thuận tiện như chỗ gửi xe máy và ô tô còn thiếu; giá cả các mặt hàng quá cao, khiến khách hàng “phát hoảng” không dám tiếp cận; đặc biệt, với đa phần người dân đi mua sắm, họ bao giờ cũng muốn kết hợp với vui chơi, giải trí, nhưng ở Tràng Tiền Plaza thiếu những thứ đó.

Trong dịp khai trương Tràng Tiền Plaza, chủ đầu tư đã không giấu giếm khi cho biết, mục tiêu chính khi đầu tư vào đây là để “phục vụ các đại gia”. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, cộng với “niềm tin” của các đại gia vào hàng hiệu tại Việt Nam còn thấp, thì viễn cảnh về một “trung tâm mua sắm đẳng cấp quốc tế” luôn sầm uất giữa lòng Thủ đô sẽ còn cần nhiều thời gian.

Dự án TTTM Chợ Hàng Da vừa tuyên bố đóng cửa để sửa chữa, nâng cấp sau 3 năm đi vào hoạt động. Trước đó, TTTM tại Dự án Grand Plaza phải đóng cửa bởi những gian hàng cao cấp vắng khách. Trong khi đó, các TTTM khác như Vincom Bà Triệu lại rất đông khách. Bí quyết có lẽ nằm ở chỗ, người tiêu dùng Hà Nội không chỉ mua sắm, mà còn mong muốn có một địa chỉ vui chơi, giải trí.

Chỉ số niềm tin tiếp tục giảm

Theo CBRE, điểm sáng của thị trường mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội trong quý I/2013 là việc mở cửa trở lại của Tràng Tiền Plaza. Giá thuê trung bình của TTTM tổng hợp tăng 3% so với quý trước đó, chủ yếu do giá thuê cao của Tràng Tiền Plaza.

Con số được Savills thống kê cho thấy, trong quý I/2013, tổng cung đạt khoảng 763.200 m2, tăng 1% theo quý và tăng 16% theo năm. Trong quý I/2013, Hà Nội có 7 dự án mới, trong đó có 2 trung tâm mua sắm, 2 siêu thị và 3 siêu thị điện tử. Tuy nhiên, trong quý này có 2 dự án đóng cửa, gồm 1 siêu thị trên phố Cát Linh và 1 TTTM trên đường Trần Duy Hưng.

Cũng theo Savills, mặc dù Dự án Tràng Tiền Plaza có giá chào thuê cao, nhưng giá thuê trung bình của toàn thị trường vẫn tiếp tục theo xu hướng giảm. Lý do chính của xu hướng giảm này là các dự án mới khác chào thuê với giá khá thấp. Bên cạnh đó, các dự án đang hoạt động cũng chào giá thuê “mềm” hơn nhằm lấp đầy các diện tích cho thuê còn trống. Mức giá bình quân của toàn thị trường trong quý I/2013 giảm 3,3% so với quý trước đó.

Đặc biệt, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng bắt đầu sụt giảm trong năm 2012 và dự kiến tiếp tục giảm trong năm 2013. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bán lẻ.

Trong khi đó, một số dự án chuẩn bị khai trương là Splendora, Hồ Gươm Plaza, 25 Lý Thường Kiệt. Đáng chú ý, Vingroup sẽ khai trương Dự án Vincom Mega Mall Royal City vào tháng 7/2013, đây là TTTM lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán