Ở phía bắc sông Hồng có hàng loạt dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đã, đang và sắp được hoàn thành để tạo bộ mặt đô thị mới hiện đại ở ngay cửa ngõ Thủ đô…
Ở phía bắc sông Hồng có hàng loạt dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đã, đang và sắp được hoàn thành để tạo bộ mặt đô thị mới hiện đại ở ngay cửa ngõ Thủ đô…
Nói vậy là bởi những ngày cuối năm này, dự án phát triển hạ tầng khu đô thị mới Bắc Thăng Long - Vân Trì đang đi đến những hạng mục công việc cuối cùng. Cạnh đó là dự án cầu vượt Kim Chung đã được khánh thành để kết nối tiếp với dự án cầu Đông Trù và đường 5 kéo dài… Với những gì đang diễn ra, một vùng đô thị mới hoành tráng bên kia sông Hồng dần hiện rõ.
Đến nay, dự án phát triển hạ tầng đô thị bắc Thăng Long Vân Trì đã cơ bản hoàn thành. Các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đầu mối phục vụ phát triển khu công nghiệp Thăng Long và khu đô thị Bắc Thăng Long với quy mô 110 nghìn người, trong phạm vi nghiên cứu 2.640 ha, thuộc địa bàn các xã Kim Chung, Võng La, Hải Bối, Vĩnh Ngọc, Kim Nỗ và Đại Mạch huyện Đông Anh đã lộ rõ.
Các hạng mục đã hoàn thành gồm việc xây dựng nhà máy cấp nước (CP1), công suất 50 nghìn m3/ngày, đêm gồm 8 giếng khai thác nội đồng và 8 giếng khai thác ngoài đê. Giai đoạn 1 công suất nhà máy là 22.400 m3/ngày đêm với 8 giếng khai thác nội đồng; gói thầu số 3, xây dựng nhà máy xử lý nước thải (CP3) công suất 38 nghìn m3/ngày đêm; gói thầu số 4 (CP4) xây dựng hệ thống cấp điện công suất 80MVA, bao gồm 2 trạm biến áp công suất 40MVA; đường dây 110KV dài 4.956m.
Như vậy, đến thời điểm này, dự án chỉ còn một số công việc của gói thầu CP2 là sẽ hoàn tất. Gói thầu này gồm hệ thống đường và thoát nước, cụ thể là hệ thống đường giao thông với đường chính dài 3.050 m, rộng 50 m và một đường khác dài 720 m, rộng 72,5 m; đường thu gom dài 2.643 m, rộng 26 m; đường kênh giữa dài 2.500 m, rộng 30 m; đường trước (bên phải và bên trái) dài mỗi bên 1.115 m, rộng 23 m; đường nối từ đường chính đến quốc lộ 23 dài 980m…
Bộ mặt đô thị mới ngoài dự án kể trên còn phải kể đến hệ thống cầu với vai trò đặc biệt quan trọng. Bên cạnh các cầu Thăng Long và Chương Dương, Long Biên là cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Đông Trù và trong tương lai không xa là cầu Nhật Tân và đường nối cầu với đường 3A và các cơ sở hạ tầng bắc Thăng Long Vân Trì.
Về giao thông bộ, xây dựng hoàn chỉnh và hiện đại mạng lưới kết hợp đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, có các bến xe liên tỉnh như Gia Lâm, Đông Anh... Đường sắt có các ga Gia Lâm, Yên Viên, Bắc Hồng, Cổ Loa, Vân Trì, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, bao gồm cả các tuyến đi trên cao và tuyến ngầm.
Về đường hàng không có 2 sân bay Nội Bài và Gia Lâm, về đường sông sẽ tích cực nạo vét, chỉnh trị, tiến tới kênh hóa một đoạn sông Hồng, nâng cấp các cảng...
Theo kế hoạch, khu vực phía bắc sông Hồng sẽ phát triển trung tâm đô thị bắc sông Hồng về giao dịch, thương mại, tài chính, văn hóa - giải trí, gắn vùng cửa ngõ tiếp vận quốc gia Nội Bài với các vệ tinh là đô thị hàng không Nội Bài, Mê Linh, Sóc Sơn và các trung tâm công nghiệp phía Bắc, gắn với trục Côn Minh - Hạ Long.
Trung tâm Phương Trạch thuộc khu vực đô thị Bắc Thăng Long sẽ là trung tâm lớn nhất trong 7 trung tâm của Hà Nội, với quy mô 130 ha và có thể nghiên cứu mở rộng các chức năng khác thành 200 - 280 ha, có đầy đủ các loại hình kiến trúc hiện đại...
Với những gì đã làm được, đang làm và tiếp tục làm về xây dựng hạ tầng đô thị phía bắc sông Hồng cho thấy, Hà Nội đã sẵn sàng cho việc phát triển những khu đô thị vệ tinh, trung tâm kinh tế, thương mại… ra bên kia sông Hồng để Hà Nội to, đẹp hơn, hoành tráng hơn trong mắt bạn bè thế giới.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị