Triệt tiêu nhà “siêu mỏng, siêu méo” từ bước duyệt dự án

Cập nhật 13/05/2015 10:04

Ngày 12/5, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý trật tự xây dựng đô thị và xử lý công trình "siêu mỏng, siêu méo" tại quận Tây Hồ, Ba Đình.

Ngày 12/5, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý trật tự xây dựng đô thị và xử lý công trình "siêu mỏng, siêu méo" tại quận Tây Hồ, Ba Đình.

Nhiều cái khó trong xử lý các công trình vi phạm tồn tại tiếp tục được nêu ra.

Nhà siêu mỏng trên phố Đội Cấn. Ảnh: Linh Anh

Tồn tại cũ, khó giải quyết

Việc xử lý các công trình "siêu mỏng, siêu méo" đã được TP làm quyết liệt, với rất nhiều công văn, phương thức xử lý, nhưng tiến độ giải quyết vẫn rất ì ạch.

Hiện, toàn TP còn 174 trường hợp tồn đọng từ nhiều năm trước. Tại quận Tây Hồ có 23 trường hợp trên địa bàn phường Bưởi và Thụy Khuê. Phó Chủ tịch UBND quận Đỗ Anh Tuấn cho biết, đã đề xuất phương án giải quyết với Sở Xây dựng Hà Nội để tổng hợp báo cáo TP. Trong đó, 3 trường hợp quận đề nghị hợp khối để mở rộng các di tích liền kề, nhưng với 20 trường hợp còn lại đang chờ ý kiến của TP và phương án bố trí kinh phí từ các ngành. "Quận vẫn tiếp tục vận động người dân hợp thửa, hợp khối theo quy định. Tuy nhiên, việc này gặp nhiều khó khăn do các chủ sử dụng không hợp tác hoặc không thảo thuận được với các chủ sử dụng liền kề" - ông Tuấn nói.

Tại quận  Ba Đình, sau nhiều năm nỗ lực giải quyết, hiện vẫn còn 68 trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo" tồn tại từ trước 15/3/2005, đây đều là các công trình được hộ dân sử dụng thời gian dài, ổn định. Trong quá trình vận động hợp thửa, nhiều hộ dân có nguyện vọng được hợp thửa, cải tạo chỉnh trang để tiếp tục tồn tại, nhưng sau khi đăng ký hợp thửa theo mẫu đơn được phát, việc thỏa thuận khó thực hiện do vướng mắc về giá. Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Phong Cầm cho rằng: Quận đã phân loại, có phương án xử lý với từng trường hợp, nhưng thực sự rất khó khăn trong giải quyết, bởi nếu GPMB (thu hồi) phải đi kèm với có kinh phí và nhà tái định cư (theo dự kiến của quận kinh phí phải bố trí ngân sách 100 tỷ đồng, cùng 69 căn hộ tái định cư. Hơn nữa, phương án này khiến người dân ở mặt sau hưởng lợi, dẫn đến sự không đồng tình, nên cũng khó khả thi. Còn việc hợp thửa hợp khối, nhiều tuyến đường lớn như Kim Mã, giá cả cũng là một vấn đề với người dân. Hơn nữa, giải pháp này cũng chỉ đẹp mặt tiền chứ về lâu dài không ổn. Quận đề nghị kết hợp giữa hợp khối kiến trúc với hợp thửa và tuyên truyền, vận động để có hướng xử lý, không thể nóng vội được.

Cùng với các trường hợp tồn tại cũ, tại các tuyến đường mới sau GPMB cũng xuất hiện những thửa đất không đủ diện tích xây dựng khiến các quận rất "vất vả" trong xử lý. Lãnh đạo quận Tây Hồ cho biết: Tuyến đường Vành đai 2 đoạn qua địa bàn quận cũng xuất hiện 18 trường hợp các thửa đất không đủ diện tích xây dựng. Vị này cho rằng, dù chưa phát sinh xây dựng để hình thành công trình "siêu mỏng, siêu méo", nhưng đây chính là nguy cơ, hiện quận đã rà soát, tổng hợp. Trong đó, ra thông báo hợp thửa đối với 7 trường hợp; đề xuất thu hồi 11 trường hợp gửi Chủ đầu tư - Ban Quản lý dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội để thực hiện các thủ tục thu hồi theo quy định, hiện, Ban Quản lý dự án đã có văn bản gửi Sở TN&MT để báo cáo TP chấp thuận chủ trương hoặc giao cho quận thu hồi để tạo cảnh quan đô thị.

Thu hồi ngay các thửa đất có “nguy cơ”

Lãnh đạo hai quận đều cho rằng, các chủ đầu tư thường chỉ quan tấm đến làm đường, không quan tâm đến cảnh quan hè phố..., đây là nguyên nhân phát sinh nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Do đó, TP nên có quy định khi thực hiện đầu tư các dự án, chủ đầu tư cần rà soát cụ thể và có phương án, kinh phí thực hiện thu hồi ngoài chỉ giới các trường hợp nhỏ lẻ, xen kẹt không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng trước khi phê duyệt dự án. "Trong quá trình lập dự án, phát hiện những thửa đất có nguy cơ phát sinh thành “siêu mỏng, siêu méo” thì thu hồi luôn, sau đó sử dụng vào các mục đích công cộng phục vụ cảnh quan đô thị. Tránh tình trạng từ đất trống chỉ cần đặt viên gạch lên là sẽ rất khó trong xử lý" - Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng đề nghị.

Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam đồng tình và cho rằng, không thể để cứ GPMB xong, quận lại phải "trông giữ" hoặc đi theo để giải quyết các trường hợp thửa đất không đủ điều kiện xây dựng công trình. Trong khi có đủ căn cứ pháp lý để thực hiện việc GPMB dự án mở đường, thu hồi ngay những diện tích nhỏ lẻ, các loại đất phục vụ cho dự án. Đại diện Sở QH - KT cũng cho rằng, để triệt để không phát sinh “siêu mỏng, siêu méo”, việc nghiên cứu quy hoạch 2 bên đường phải có trước khi mở đường.

Tại cuộc làm việc với quận Tây Hồ, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt đề nghị quận cố gắng xử lý các trường hợp tồn đọng, gắn với chủ trương không để phát sinh mới. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý trật tự xây dựng là chính. Mặt khác, các Sở liên quan cũng phải kịp thời đề xuất TP hướng xử lý dựa trên các đề xuất của quận; tăng thông tin tuyên truyền đến cán bộ và người dân về chủ trương, chính sách và cả những trường hợp đã xử lý để tăng tính răn đe, không để phát sinh các trường hợp mới.

DiaOcOnline.vn - Theo KTĐT