Nhiều đại gia địa ốc Sài Gòn đang ráo riết xây dựng bến du thuyền cho các dự án nhà ở ven sông, điều mà trước đây chỉ xuất hiện tại các vùng biển đảo giàu tiềm năng du lịch như Cát Bà (Hải Phòng), Tuần Châu (Vịnh Hạ Long).
Giới kinh doanh không ngần ngại đầu tư thêm hàng trăm tỷ đồng xây dựng bến du thuyền bên cạnh những tòa chung cư cao tầng và khu biệt thự, với kỳ vọng hạng mục đặc biệt này sẽ góp phần làm tăng giá trị của dự án một khi cảnh quan mặt tiền sông thơ mộng được hoàn thiện.
Vừa khánh thành giai đoạn một vào trung tuần tháng 5, chủ đầu tư dự án Saigon Pearl bên bờ sông Sài Gòn, đã lên kế hoạch khởi công xây dựng và hoàn thành một bến du thuyền, câu lạc bộ du thuyền tại khu công viên bờ sông của dự án này trong năm 2011. Tổng vốn đầu tư tính riêng cho hạng mục này đã lên đến 400 tỷ đồng, tạo chỗ neo đậu cho khoảng 130 canô và du thuyền.
Phối cảnh hạng mục bến du thuyền trên sông Sài Gòn của dự án Saigon Pearl. Ảnh: P.C. |
Tương tự, Công ty Bình Thiên An, chủ đầu tư dự án đảo Kim Cương (Diamond Island) cũng đang theo đuổi kế hoạch xây dựng một bến du thuyền trên cù lao phục vụ cư dân. Nằm trên khu đất rộng 8 ha, ngay ngã ba sông Sài Gòn và sông Giồng Ông Tố, quận 2, từ vị trí của dự án này chỉ mất 10 phút đi bằng canô đến bến Bạch Đằng để vào khu trung tâm thành phố.
Tận dụng lợi thế ba mặt giáp sông, chủ đầu tư dự án đã định vị bến du thuyền nằm trên sông Giồng Ông Tố. Vốn đầu tư toàn bộ dự án nhà ở và bến du thuyền 300 triệu USD. Để khởi động cho dự án, doanh nghiệp này còn mạnh tay sắm một du thuyền trị giá 2 triệu USD mua từ Anh có tên gọi Princess 58 Yacht mang về Việt Nam và đổi tên mới là Diamond Island, để đưa khách đến tham quan dự án.
Tuy cách xa khu trung tâm quận 1, dự án Kenton Residences nằm trong khu quy hoạch dân cư cao cấp tại khu Nam Sài Gòn, cũng được chủ đầu tư xác định sẽ xây dựng một bến du thuyền có thể cập những tàu 20-30 chỗ, kết hợp với hạng mục công viên bờ sông. Theo Công ty TNHH sản xuất thương mại Tài Nguyên, chủ đầu tư dự án, bến du thuyền ven sông sẽ nằm gần khu vực nhà biệt thự.
Phối cảnh dự án đảo Kim Cương với bến du thuyền sông, quận 2. Ảnh: H.T. |
Trước đó, năm 2008, Công ty cổ phần đầu tư Tấn Hưng từng công bố dự án Trung tâm Thương mại và Dân cư Hưng Điền nằm ở phía Tây Nam TP HCM, trên khu đất giữa phường 16, quận 8 và xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, có tổng vốn đầu tư 700 triệu USD. Dự án này nằm dọc theo hai nhánh sông Chợ Đệm, có lợi thế về đường thủy và cảnh quan đẹp. Khi công bố dự án này, chủ đầu tư hứa hẹn sẽ có bến du thuyền để phục vụ những cư dân tương lai nhu cầu đi vào khu trung tâm thành phố bằng đường thủy là ca nô, du thuyền.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu cho biết, trong vài năm trở lại đây, thành phố bắt đầu xuất hiện xu hướng đầu tư hạng mục bến du thuyền kèm theo những dự án nhà ở. Đây là một xu hướng đầu tư tích cực, vì hạng mục này không chỉ làm tăng giá trị của bất động sản nói riêng, làm đẹp cảnh quan của thành phố nói chung, mà còn có ý nghĩa kích thích tiềm năng du lịch, du ngoạn bằng đường thủy tại Sài Gòn. Tuy nhiên, ông cho rằng, việc đầu tiên, bến du thuyền phải là một hạng mục trong dự án đã được cấp phép và phải xây dựng đúng quy hoạch, như vậy mới làm đẹp thêm cảnh quan toàn khu xung quanh.
Theo ông Châu, những dự án có hạng mục bến du thuyền kèm theo này thường thuộc hạng cao cấp, phục vụ cư dân có tiền, khách hạng sang là chính. Bởi lẽ, chỉ tính riêng giá trị của chiếc du thuyền thấp nhất cũng vài trăm nghìn USD, cao nhất lên đến vài triệu USD, các dịch vụ kèm theo cũng cực kỳ đắt đỏ.
Phối cảnh dự án Trung tâm Thương mại và Dân cư Hưng Điền, quận 8, với bến du thuyền trên sông Chợ Đệm. Ảnh: P.C. |
Ông Châu cho rằng, suất đầu tư vào hạng mục này không nhỏ, thậm chí rất tốn kém vì phải đầu tư tổng lực, bao quát cả hệ thống công viên cây xanh và đường đi bộ dọc theo bờ sông, xây dựng hệ thống bờ kè làm bến bãi, nạo vét lòng sông, cải thiện môi trường nước...
Theo chuyên gia này, nếu chỉ có các dự án bất động sản của doanh nghiệp xây dựng bến du thuyền không thôi thì khó phát triển được các loại hình du lịch giải trí đa dạng. Chính vì thế, Nhà nước và tư nhân nên bắt tay nhau đầu tư loại du thuyền bình dân một chút, kèm theo những loại hình giải trí phong phú để tận dụng tối đa tiềm năng mặt nước của TP HCM. "Sông nước không còn bị xem là trở lực của thiên nhiên mà là nguồn lực to lớn của thành phố. Nếu như cải thiện được chất lượng nguồn nước thì tiềm năng du lịch đường thủy bằng du thuyền sẽ phát triển mạnh", ông Châu nói.
Phó giám đốc Khu đường sông TP HCM Phan Công Bằng nhận xét, về cơ bản, bến du thuyền không khác với những bến tàu. Thời gian qua nhiều khu dân cư mới ven bờ sông đã khởi động xu hướng đầu tư hệ thống bến canô cao tốc phục vụ dân cư đi lại bằng phương tiện thủy cá nhân. Song song, việc vận chuyển hành khách bằng phương tiện thủy cao tốc đã bắt đầu được một số nhà đầu tư quan tâm và triển khai.
Ông Bằng cho hay, lợi thế giao thông thủy của TP HCM là rất lớn vì hệ thống đường sông phân bố tương đối đều trên địa bàn. Sài Gòn có gần 1.000 km đường sông có chức năng giao thông thủy và hàng hải (574km đường thủy nội địa địa phương do Sở Giao thông vận tải quản lý, 252 km đường thủy nội địa Quốc gia do Cục Đường thủy nội địa quản lý, 147 km hang hải do Cục Hàng hải quản lý).
So với các khu vực, mật độ giao thông thủy của TP HCM cao gấp 3,6 lần bình quân cả nước, gấp 10,3 lần Trung Quốc, 38 lần so với Thái Lan. Hệ thống sông rạch này là tiềm năng rất lớn đối với du lịch, giải quyết ô nhiễm và đặc biệt là phát triển giao thông đường thủy.
Tuy nhiên, theo ông Bằng, một số hạn chế là nhiều cầu trên các tuyến giao thông thủy được xây dựng từ lâu, không đáp ứng về tĩnh không, khẩu độ nên các phương tiện thủy không lưu thông được. Để tàu, du thuyền, canô, phương tiện giao thông thủy cá nhân và công cộng lưu thông dễ dàng, phải đầu tư hệ thống kết nối bến giao thông thủy.
"Trong điều kiện lưu thông bằng đường bộ ngày càng quá tải thì việc khai thác vận tải bằng phương tiện thủy (cá nhân và công cộng) sẽ là một giải pháp cần được khuyến khích đầu tư", ông nói.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress