Tranh chấp chung cư: cửa nào gỡ rối?

Cập nhật 27/11/2013 15:15

Khó giải quyết dứt điểm tranh chấp BĐS bằng hòa giải hoặc giải quyết tại tòa án, một số chuyên gia đưa ra giải pháp thứ 3, đó là dùng trọng tài. Tuy nhiên, giải pháp này trên thực tế cũng không đơn giản.

Khó giải quyết dứt điểm tranh chấp BĐS bằng hòa giải hoặc giải quyết tại tòa án, một số chuyên gia đưa ra giải pháp thứ 3, đó là dùng trọng tài. Tuy nhiên, giải pháp này trên thực tế cũng không đơn giản.

Khách hàng và chủ đầu tư Dự án Splendora nhiều lần phải đưa nhau ra tòa

Tại Hội thảo về các giải pháp quản lý rủi ro, giải quyết xung đột trên thị trường BĐS diễn ra tại Hà Nội mới đây, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, các tranh chấp liên quan đến BĐS liên tiếp xuất hiện có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do yếu tố thị trường.

Việc thị trường tiếp tục đi xuống có thể khiến tranh chấp gia tăng. Trong khi đó, giải quyết tranh chấp bằng hòa giải hoặc tại tòa án không mang lại nhiều kết quả. Vì thế, một giải pháp thứ 3 có thể áp dụng, đó là dùng trọng tài kinh tế’, ông Huỳnh khuyến cáo.

Đồng quan điểm, Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng nhận định, tranh chấp trong thị trường BĐS ngày một nhiều chính là hệ quả của thời kỳ thị trường phát triển quá nóng, hệ thống pháp luật thiếu chuyên nghiệp, trong khi nhiều người mua nhắm mắt ký bừa mà không qua tư vấn luật. Tuy nhiên, hai cách giải quyết phổ biến hiện nay là hòa giải và đưa nhau ra tòa án phần lớn không giải quyết rốt ráo.

Cụ thể, việc hòa giải căn cứ trên hợp đồng thì cả khách hàng và chủ đầu tư đều không ai nhận sai. Trong khi đưa ra tòa án, các bên đều thấy mình có lý, dẫn tới các tranh chấp kéo dài. Vì thế, cách giải quyết mang tính phán quyết trọng tài, theo ông Võ, là một giải pháp rất cần được các bên cân nhắc. Bởi cơ chế trọng tài là giải pháp giải quyết tranh chấp thân thiện, cao hơn hình thức hòa giải, nhưng thấp hơn giải pháp đưa ra tòa án. Tuy nhiên, cái khó là việc sử dụng trọng tài để giải quyết tranh chấp thương mại ở nước ta lại không phổ biến.

Cũng đưa ra 3 giải pháp có thể giải quyết xung đột trong thị trường BĐS là thương lượng hòa giải, qua tòa án và giải quyết tranh chấp tại trọng tài, nhưng TS. Đào Ngọc Chuyền, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, đại bộ phận tranh chấp dân sự hiện nay, các bên vẫn chọn giải quyết qua tòa án.

Việc giải quyết qua tòa án khiến các bên mệt mỏi vì thời gian kéo dài, qua nhiều cấp xét xử, nhưng không đạt nhiều kết quả. Trong khi đó, việc sử dụng trọng tài đã có ở Việt Nam hàng chục năm nay vừa nhanh gọn, minh bạch, chỉ một lần phán quyết lại không được quan tâm.

Trao đổi với PV, Luật sư Bùi Quang Hưng (Văn phòng Luật sư Bùi Quang Hưng) khẳng định, việc dùng cơ chế trọng tài để giải quyết tranh chấp BĐS là giải pháp tốt. Thế nhưng, có một điểm khiến khó áp dụng giải pháp này là bởi bản chất của các tranh chấp BĐS phần lớn đều bắt nguồn từ việc thực hiện sai hợp đồng của chủ đầu tư.

Do vậy, chủ đầu tư không dễ chấp nhận giải pháp sử dụng trọng tài, vì họ dễ bị thiệt thòi với các phán quyết được trọng tài đưa ra.

Luật sư Trần Vũ Hải (Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải) cũng cho rằng, sử dụng trọng tài giải quyết tranh chấp BĐS là một giải pháp hay, nhưng dù cao hơn cơ chế hòa giải, nó vẫn cần có sự thỏa thuận giữa các bên.

“Trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận được, mà hợp đồng lại quy định giải quyết tranh chấp tại tòa án, thì chỉ còn cách lôi nhau ra tòa để giải quyết”. Luật sư Hải nói.

Chả lẽ việc gặp gỡ người dân để bày tỏ thiện chí và trách nhiệm lại khó thế sao?     

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán