Tuyến tàu điện ngầm (metro) số 2 của TPHCM được lên kế hoạch xây dựng bằng ba nguồn vốn vay từ các nhà tài trợ quốc tế, theo một quyết định của Chính phủ.
Tuyến tàu điện ngầm (metro) số 2 của TPHCM được lên kế hoạch xây dựng bằng ba nguồn vốn vay từ các nhà tài trợ quốc tế, theo một quyết định của Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phương án hợp vốn của các nhà tài trợ là Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) cho dự án xây dựng tuyến metro số 2 mang tên Bến Thành-Tham Lương.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND TPHCM và các cơ quan liên quan khẩn trương trình phê duyệt danh mục sử dụng vốn ADB và EIB cho dự án. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu UBND TPHCM phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo hoàn thiện và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, để làm cơ sở đàm phán, ký các hiệp định vay vốn cho dự án.
Bộ Tài chính sẽ phối hợp với UBND TPHCM đàm phán, ký hiệp định vay vốn với KfW và EIB, còn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ thực hiện việc đàm phán và ký kết với nhà tài trợ ADB.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính làm đầu mối thực hiện việc giải ngân ba khoản tín dụng của dự án, đảm bảo rút gọn thủ tục hành chính.
Cơ chế cho vay lại, áp dụng tương tự như các dự án hiện đang được triển khai tại Hà Nội và TPHCM, theo nguyên tắc: ngân sách trung ương cấp phát vốn ODA cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng dự án và các khoản chi khác; chủ đầu tư vay lại phần chi cho mua sắm thiết bị; ngân sách địa phương chi cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và các nhu cầu đối ứng khác.
Từ năm 2003, tập đoàn Siemens (Đức) đã vận động được một khoản tài trợ không hoàn lại từ Chính phủ Đức cho việc nghiên cứu, lập dự án đầu tư hai tuyến metro tại TPHCM là số 2 (Bến Thành-Tham Lương) và 3a (Bến Thành-Bến xe Miền Tây). Nhà đầu tư này dự định sẽ cùng với TPHCM và các ban, ngành liên quan cùng vận động nguồn vốn ODA cho dự án này từ Chính phủ Đức và thu xếp nguồn vốn vay từ các ngân hàng châu Âu cho 2 dự án.
Tuy nhiên, việc thu xếp nguồn tài chính trên kéo dài và đến tháng 4-2008, UBND TPHCM đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thành phố được tiếp nhận nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản trong năm tài khóa 2008 để triển khai 2 dự án đầu tư xây dựng các tuyến metro số 2 và 3a trên. Đồng thời, thành phố thông qua Bộ Kế hoạch Đầu tư trình Chính phủ việc đề nghị phía Đức và các ngân hàng châu Âu tài trợ một dự án khác là tuyến metro số 6, Ngã ba Bà Quẹo-Vòng xoay Phú Lâm. Tuy nhiên, Chính phủ đã không chấp thuận đề xuất này.
>Dự án metro Bến Thành-Suối Tiên: Giải quyết tái định cư cho 15 hộ dân
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG