TP.HCM và gánh nặng nhà cao tầng

Cập nhật 15/10/2011 09:40

Giao thông ùn tắc, cảnh quan kiến trúc bị ảnh hưởng… là những hệ lụy từ việc nhà cao tầng mọc đan xen trong các ô phố.

Giao thông ùn tắc, cảnh quan kiến trúc bị ảnh hưởng… là những hệ lụy từ việc nhà cao tầng mọc đan xen trong các ô phố.

Việc xây nhà cao tầng (từ chín tầng trở lên) xen cấy vào các ô phố vốn chủ yếu là nhà thấp tầng đã góp phần từng bước chỉnh trang bộ mặt đô thị, tăng giá trị đầu tư, hệ số sử dụng đất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy điều này lại làm nảy sinh nhiều vấn đề không dễ giải quyết.

Phát sinh nhiều hệ lụy


Đầu tiên, việc xây dựng nhà cao tầng sẽ ảnh hưởng không tốt đến hạ tầng của ô phố cũng như của cả khu vực. Nhìn chung hệ thống hạ tầng của các ô phố hiện hữu đã tương đối ổn định, đa số chỉ đáp ứng vừa đủ cho quy mô sẵn có (chủ yếu là các công trình thấp tầng) của khu vực. Do vậy, việc xây nhà cao tầng xen cấy sẽ khiến hạ tầng của khu vực bị quá tải, nhất là về giao thông.

Thực tế tại TP.HCM cho thấy khi các tòa nhà cao tầng liên tiếp mọc lên (nhất là các công trình tập trung đông người như trường học, khu thương mại) thì tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ cũng tăng theo. Đó là một trong những nguyên nhân khiến TP.HCM tạm ngưng cấp phép nhiều công trình cao tầng, chờ hoàn tất quy hoạch khu trung tâm để tính toán lại sức chịu đựng của hạ tầng, cảnh quan kiến trúc đô thị.

Ngoài ra, việc xây nhà cao tầng xen cấy còn có thể gây ra các rủi ro (như lún sập) cho công trình lân cận, dù đa số dự án đã sử dụng các biện pháp thi công tiên tiến. Một trong các nguyên nhân là do sự chênh lệch về quy mô, chất lượng giữa các công trình hiện hữu và công trình xây mới.


Một cụm nhà cao tầng đan xen trong các ô phố ở trung tâm quận 1, TP.HCM. Ảnh: HTD

Một vấn đề nảy sinh nữa là việc xây xen cấy nhà cao tầng sẽ tạo ra sự thiếu đồng bộ về cảnh quan, không gian và hình thức kiến trúc trong khu vực. Điều này vừa làm mất mỹ quan đô thị, vừa ảnh hưởng xấu đến điều kiện an toàn, vệ sinh của các công trình xung quanh.

Phải theo quy hoạch


Ngày 15-10, Tổng hội Xây dựng Việt Nam cùng Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo Cải tạo đô thị cũ. Dự kiến những vấn đề được nêu trong bài viết này sẽ được đưa ra thảo luận tại hội thảo để tìm hướng giải quyết thích hợp.
Để việc xây dựng nhà cao tầng xen cấy đạt được hiệu quả tốt nhất, điều kiện tiên quyết là cần tuân thủ quy hoạch. Xin nói rõ công việc lập quy hoạch một ô phố hiện hữu của bất kỳ TP nào cũng đều phải căn cứ vào những điều kiện cụ thể như đường sá, hạ tầng kỹ thuật, mật độ dân cư... Trong quá trình cấp phép xây dựng, cơ quan chức năng cần xem xét kỹ các yếu tố về chức năng, mức độ sử dụng của tòa nhà, chiều cao của tòa nhà, tác động đối với môi trường và hệ thống đường sá xung quanh. Ngoài ra, tiêu chuẩn chất lượng xây dựng cùng các yêu cầu về khu vực đỗ xe, PCCC, vệ sinh môi trường cũng cần được quan tâm đúng mực.

Một đặc thù của các đô thị Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng là nhà cao tầng tập trung chủ yếu tại các khu vực trung tâm. Nguyên nhân do nơi đây có giá trị kinh doanh cao và hệ thống kỹ thuật, xã hội tương đối đầy đủ. Nhưng dù nằm ở vị trí nào thì việc xây dựng xen cấy nhà cao tầng vẫn cần tuân thủ nguyên tắc chung: Tòa nhà mọc lên ít ảnh hưởng xấu đến khu vực (như đã phân tích), đồng thời phải đem lại lợi ích chung cho đô thị. Điều này chưa dễ thực hiện được trong bối cảnh hiện nay.

255 là số dự án nhà cao tầng tại TP.HCM tính đến cuối năm 2010. Từ năm 2008 đến nay, Sở Xây dựng TP đã cấp phép cho hơn 100 dự án nhà cao tầng, trong đó có 71 nhà nằm ở lõi trung tâm. Hiện nhu cầu xây nhà cao tầng trong TP vẫn hết sức mạnh mẽ.

Đa số dự án nhà cao tầng hiện nay đều ở dạng xây xen cấy trên một phần ô phố. Ngay như tháp Financial Tower (67 tầng) là công trình cao nhất TP.HCM hiện nay cũng là tòa nhà xen cấy vào ô phố hiện hữu.

(Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM)

 

 
ThS-KTS TRẦN CHÍ DŨNG, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP