TP.HCM tiếp tục kiến nghị đăng bộ trên giấy hồng

Cập nhật 11/08/2010 09:40

Một khó khăn nữa là hiện nay văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (VP ĐKQSDĐ), cơ quan có nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, tham mưu việc cấp giấy chứng nhận vẫn chưa được phủ kín tất cả quận, huyện (chỉ mới 12/24 quận, huyện)...

Chỉ có 12/24 quận, huyện có văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

“Kiến nghị đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM báo cáo Quốc hội điều chỉnh lùi thời hạn hoàn thành công tác cấp giấy theo Nghị quyết 27/2007/QH12 (hết năm 2010 - PV)”. Đó là đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM trong báo cáo về việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở theo các quy định pháp luật hiện hành.

Ba tháng chờ tháo gỡ một vướng mắc

Sở TN&MT TP giải thích Luật số 38/2009/QH12 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản quy định cấp giấy chứng nhận theo nhu cầu người dân, do đó cần có thời gian để đáp ứng nhu cầu này. Cạnh đó, lượng hồ sơ tồn đọng thường là loại khó giải quyết do có tranh chấp, khiếu kiện hoặc vi phạm pháp luật nhà đất nên cần thời gian xử lý dứt điểm trước khi xét cấp giấy.


Tại TP.HCM còn phải cấp hơn 350.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà. Trong ảnh: Người dân đến làm thủ tục xin cấp giấy nhà đất tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Ngoài ra, thực tiễn cấp giấy cho thấy vẫn còn tồn tại sự thiếu hợp lý. “Muốn cấp giấy phải có tên trong sổ địa chính, trong khi trước năm 1992 nhiều địa phương không thực hiện điều này. Do đó, nhiều trường hợp sử dụng đất ổn định trước năm 1993, không có tranh chấp nhưng lại không sử dụng được thông tin của sổ địa chính để xét cấp giấy” - Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Văn Hồng dẫn chứng.

Một lý do nữa khiến công tác cấp giấy của TP bị chậm trễ là vướng mắc trong việc thu tiền sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận. Thời gian qua, toàn TP phải dừng lại gần ba tháng để chờ ý kiến của Thủ tướng. Đến ngày 14-7, Thủ tướng mới có văn bản tháo gỡ vướng mắc trên. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân khi được công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong hạn mức chỉ nộp tiền sử dụng đất theo bảng giá đất do TP ban hành.

Vênh nhau giữa các văn bản luật

Theo Sở TN&MT, tình trạng vênh nhau giữa các văn bản pháp luật vẫn đang tồn tại khiến cơ quan cấp giấy lúng túng. Cụ thể, Luật Đất đai quy định nhà đất mua bằng giấy tay trước ngày 1-7-2004 mới được xét cấp giấy chứng nhận, trong khi Luật Nhà ở cho phép thời hạn này là trước ngày 1-7-2006. Tương tự, Luật Đất đai và Nghị định 181/2004 cho phép cập nhật tên người nhận chuyển nhượng lên giấy chứng nhận, còn Luật số 38 và Thông tư 17/2009 lại yêu cầu phải đổi giấy. Từ đó, Sở TN&MT kiến nghị Chính phủ cho phép đăng bộ trên giấy chứng nhận như cách làm cũ. Được biết, Tổ công tác chuyên trách cải cách hành chính cũng đã trình Thủ tướng xem xét vấn đề này.

Một khó khăn nữa là hiện nay văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất
(VP ĐKQSDĐ), cơ quan có nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, tham mưu việc cấp giấy chứng nhận vẫn chưa được phủ kín tất cả quận, huyện (chỉ mới 12/24 quận, huyện). “Tại một số quận, huyện chưa thành lập VP ĐKQSDĐ, các loại hồ sơ nhà đất yêu cầu thời hạn giải quyết nhanh trong ngày như đăng ký thế chấp, xóa thế chấp chưa đảm bảo được” - Sở TN&MT nhận xét. Chưa kể Thông tư liên tịch 05/2010 cũng đã thông báo Phòng TN&MT tại các quận, huyện không còn được làm thay nhiệm vụ của VP ĐKQSDĐ. Sở cho rằng để thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định, các quận, huyện phải thành lập VP ĐKQSDĐ.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP