TP.HCM: “Thúc” đầu tư từ các dự án hạ tầng

Cập nhật 06/05/2013 10:08

Ngoài chính sách từ Trung ương, TP.HCM đang tích cực hoàn thiện hạ tầng cùng các chính sách “mềm” để thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm.

Ngoài chính sách từ Trung ương, TP.HCM đang tích cực hoàn thiện hạ tầng cùng các chính sách “mềm” để thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm.

TP.HCM đang có hàng loạt dự án trọng điểm cần kêu gọi đầu tư, nhất là thu hút nguồn vốn FDI. Hiện dân số thành phố đã vượt 10 triệu người, vượt xa quy hoạch mà thành phố đã đề ra trước đây (5 triệu). Do đó, các dự án về hạ tầng vẫn là ưu tiên hàng đầu trong thu hút đầu tư của thành phố.

Hạ tầng giao thông luôn là ưu tiên hàng đầu trong thu hút đầu tư của TP.HCM

Hoàn thiện hạ tầng giao thông

Trong nhiều năm qua, vấn đề hạ tầng giao thông của TP.HCM đã được cải thiện đáng kể. Nhiều tuyến đường được xây mới, mở rộng. Nhiều khu đô thị mọc lên ở khu vực ngoại thành. Đại lộ Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ và hầm sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) đã đưa vào khai thác từ năm 2011 đã giải quyết đáng kể tình trạng giao thông khu vực trung tâm, giúp kết nối xuyên suốt và rút ngắn thời gian lưu thông từ cửa ngõ phía Tây sang cửa ngõ phía Đông thành phố.

Tuyến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài đang được nhà thầu gấp rút hoàn thiện để sớm đưa vào khai thác vào cuối năm nay. Đây là tuyến đường quan trọng nối cửa ngõ phía Bắc và phía Đông của thành phố - nơi thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

Sau khi công trình đưa vào sử dụng sẽ tải lưu lượng phương tiện giao thông khá lớn (khoảng 40%), giải quyết được bài toán giao thông khu vực này.

Một trong những công trình quan trọng góp phần hạn chế xe trọng tải lớn vào nội thành cũng như chống ùn tắc giao thông là đường Vành đai 2. Dự án này bao gồm các tuyến đường: quốc lộ 1A đoạn từ nút giao thông Gò Dưa chạy qua các nút giao thông An Sương, An Lạc đến khu vực đường Hồ Ngọc Lãm rồi kết nối với đại lộ Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ và cuối cùng là đường mới nối với nút giao thông Gò Dưa. Đây là dự án giao thông khép kín đầu tiên của thành phố, dự kiến sẽ hoàn thiện vào năm 2015.

Dự án quan trọng tiếp theo không thể không nhắc đến đó là dự án cầu Sài Gòn 2 và dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội lên tới 16 làn xe riêng biệt. Theo Sở GTVT, UBND thành phố xác định tuyến đường này không chỉ có vai trò quan trọng chiến lược kết nối giao thông với các tỉnh miền Đông Nam Bộ mà còn là tuyến đường thể hiện bộ mặt giao thông của thành phố. Hiện tuyến đường này gần như đã được bàn giao mặt bằng, các công đoạn thi công đang được gấp rút thực hiện.

Đối với bài toán giao thông khu vực nội thị, ngoài cầu vượt tại ngã tư Thủ Đức, thành phố đã đưa vào khai thác hai cầu vượt nhẹ tại nút giao Hành Xanh và nút giao Lăng Cha Cả. Hai công trình sau khi đưa vào sử dụng đã cơ bản giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực này, đồng thời tạo bộ mặt đô thị hiện đại.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đã chính thức khởi công 3 cầu vượt tại ba nút giao thông khác.

Ngoài ra, thành phố cũng đang chuẩn bị xây mới các cây cầu bắc qua các tuyến kênh khu vực quận 1, quận 3 nhằm tạo hệ thống giao thông liên hoàn.

“Thúc” đầu tư

Theo UBND TP.HCM, một trong những điều kiện để thu hút các nhà đầu tư chính là hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm giảm bớt tình trạng tắc nghẽn, quá tải.

Chính sách thu hút đầu tư tại các KCX – KCN, thành phố luôn ưu tiên chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng “sạch” để chào đón các nhà đầu tư.

Đối với các dự án công nghệ cao, thành phố cũng đã chủ động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo thuận lợi và rút ngắn đáng kể thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cho biết, chiến lược thu hút đầu tư vẫn là cơ sở hạ tầng thông thoáng theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng được nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp công nghệ cao. Chất lượng nguồn nhân lực phải đáp ứng theo yêu cầu của doanh nghiệp.

“Ban quản lý cũng đưa ra những cam kết thủ tục hành chính thông thoáng để giảm thiểu chi phí không đang có”, bà Loan nhấn mạnh.

Để tạo lợi thế cạnh tranh mới trong thu hút đầu tư, trong thời gian tới, TP.HCM tiếp tục cải tiến, làm “mềm hóa” chính sách thu hút đầu tư và quản lý vốn, đặc biệt là các nguồn vốn FDI.

TP.HCM cũng ưu tiên thu hút đầu tư vào các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai; hạn chế tiếp nhận các dự án đầu tư vào khu vực phi sản xuất, khai thác không gắn với chế biến.

Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TP.HCM cho biết, thành phố tiếp tục tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính. Thành phố cũng sẵn sàng tháo gỡ các vướng mắc sau khi cấp phép đầu tư hoặc đăng ký kinh doanh. Đặc biệt, hiện thành phố đang thực hiện miễn, giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp.

“Chính sách của thành phố là không phân biệt nhà đầu tư trong nước hay nhà đầu tư nước ngoài, hễ là nhà đầu tư thì đều có quyền lợi ngang nhau”, ông Thái Văn Rê khẳng định.

DiaOcOnline.vn - Theo Tổ Quốc