TP.HCM: Tái phát "căn bệnh" nhà siêu mỏng

Cập nhật 17/04/2010 09:10

Cùng với những căn nhà “siêu mỏng” đang mọc lên nhiều nơi, bộ mặt đô thị còn được “góp” thêm những nghệ thuật kiến trúc mới. Đó là sự pha trộn từ cổ đến kim, từ Đông sang Tây… mà nhìn kỹ lại thì chẳng giống ai.

Nhiều tuyến đường mới mở, nhà cửa người dân hai bên đường thiếu sự đồng bộ, trông giống như một tấm da beo loang lổ, kỳ dị.

Nhà "siêu siêu mỏng"

Dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài khi hoàn thành được xem như một tuyến đường “mẫu” của TP.HCM. Hiện nay, tuyến đường đang bước vào khâu giải phóng mặt bằng và chờ thi công. Thế nhưng, trong khi tuyến đường vẫn đang chờ quy hoạch về kiến trúc xây dựng nhà hai bên đường, hàng loạt ngôi nhà của người dân ở đây mọc lên với hình thù “siêu mỏng” kỳ dị.

Nằm ngay mặt tiền đang được giải tỏa (giao với đường Lê Quang Định) là ngôi nhà 3 tầng đang trong thời kỳ hoàn thành. Nhìn ngôi nhà nhiều người không khỏi bật cười vì trông có 3 tầng nhưng chiều rộng nhà chỉ khoảng 1m. Để tận dụng tối đa khoảng không gian, chủ nhà đã cho cơi thêm phần hành lang ở hai tầng trên cùng ra ngoài khoảng 1m khiến căn nhà như một cái ô che mưa.

Cách đó một khoảng không xa, cũng có hai căn nhà 2 tầng khác đã hoàn thành. Nhìn từ trên cao xuống, căn nhà như một hình tam giác có 3 cạnh. Cạnh nhỏ nhất chỉ đủ đặt vừa viên gạch, còn cạnh lớn hơn khoảng 2m. Ở tầng trên, chủ nhà tận dụng tối đa khoảng không gian bằng cách cơi thêm bang công ra phía mặt đường…

Một điều dễ nhận thấy nhất đối với nhiều căn nhà ở đây, hầu hết người dân đều xây dựng theo kểu tất đất tất vàng, tận dụng tối đa khoảng đất ít ỏi, không tuân theo một quy chuẩn thiết kế nào.


Hai căn nhà "siêu mỏng" nằm kế cận nhau.

Ông Nguyễn Xuân Quang, chủ một căn nhà “siêu mỏng” ở đây cho biết, trước kia nhà tôi có 3 tầng và rộng 90m2 đất. Nhưng từ khi nhường đất cho dự án thì chỉ còn lại 15m2. Do đó, tôi xin xây dựng lại và được phép xây 3 tầng như nhà lúc ban đầu.

Một lãnh đạo phường 1, quận Gò Vấp thừa nhận, biết là có nhiều nhà “siêu mỏng” sẽ trông bộ mặt đô thị chẳng ra gì. Nhưng trong khi chờ thiết kế “chọn mặt” đô thị cho tuyến đường, chúng tôi không có lý do ngăn cản người dân.

Cổ, kim lẫn lộn

Cùng với những căn nhà “siêu mỏng” đang mọc lên nhiều nơi, bộ mặt đô thị còn được “góp” thêm những nghệ thuật kiến trúc mới. Đó là sự pha trộn từ cổ đến kim, từ Đông sang Tây… mà nhìn kỹ lại thì chẳng giống ai.

Đi dọc đại lộ Đông - Tây theo hướng từ quận 1 đến huyện Bình Chánh, nhiều người không khỏi tiếc nuối bởi những kiến trúc cũ ở các tòa nhà được xây dựng trong thời kỳ Pháp khá đồng bộ (một trệt một lầu) đã lần lượt bị đập bỏ. Thay vào đó là những ngôi nhà trông giống như một "hộp diêm" dựng đứng với chiều ngang chỉ rộng khoảng 2m.

Ông Nguyễn Quang Nhẫn, người dân sống ở khu vực này tỏ ra tiếc nuối, những ngôi nhà thời Pháp này đã xây dựng hơn 100 năm nay, nó không chỉ có giá trị về lịch sử còn đem lại nét cổ kính cho thành phố. Bây giờ bị nhiều người đập bỏ thay vào đó là những căn nhà cao thấp lố nhố, cái hiện đại cái cổ xưa… trông chẳng ra gì.

Được biết, việc quy hoạch đô thị cho đại lộ Đông - Tây đã được Sở Quy hoạch - kiến trúc lên kế hoạch nhiều tháng qua. Tuy nhiên, trong thời gian chờ kiến trúc mới, nhiều hộ dân vẫn lén lút phá bỏ kiến trúc cũ và xây dựng những căn nhà “hộp diêm” trên tuyến đường này.


Nhiều ngôi nhà "siêu mỏng, siêu méo" ở tuyến Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài đang được người dân xây dựng khắp nơi.

Cũng tương tự như thế ở rất nhiều tuyến đường khác của TP.HCM việc chọn bộ mặt đô thị vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Nhiều tuyến đường bộ mặt đô thị là sự tập hợp của một nghệ thuật kiến trúc kỳ dị như ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur… Đây là những tuyến đường mẫu, đường “ngoại giao” nhưng kiến trúc đô thị vẫn như một “tấm da beo loang lổ”.

Nói như kiến trúc sư Nguyễn Đăng Sơn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, TP.HCM còn quản lý đô thị theo cảm tính. Theo ông, thiết kế đô thị là cầu nối giữa công trình kiến trúc và quy hoạch đô thị. Lập thiết kế đô thị có ý nghĩa rất quan trọng trong quản lý xây dựng, đem lại sự phát triển đồng bộ, mỹ quan cho thành phố… Do đó, cần phải có ngay thiết kế đô thị cho các tuyến đường mới.

Theo ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM cho biết, tuyến đại lộ Đông-Tây, tuyến Xa lộ Hà Nội và tuyến Tân Sơn Nhât-Bình Lợi- Vành đai ngoài đang được Sở Quy hoạch – kiến trúc khẩn trương nghiên cứu và lập thiết kế cho các tuyến đường chính này và sẽ hoàn thành trong thời gian sắp tới.


DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet