Để chấm dứt tình trạng thiếu minh bạch trong việc sử dụng quỹ đất, sắp tới, TPHCM sẽ thực hiện ...
Để chấm dứt tình trạng thiếu minh bạch trong việc sử dụng quỹ đất, sắp tới, TPHCM sẽ thực hiện công khai quỹ đất để các doanh nghiệp (DN) đều có cơ hội tiếp cận như nhau.
Có nhu cầu, không có đất!
Ông Trương Trọng Nghĩa - Phó GĐ Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) thành phố (TP) - kể câu chuyện về những khó khăn trong việc tiếp cận quỹ đất của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài: Trợ lý Thủ tướng Bahrain dẫn một đoàn DN hàng đầu của nước này vào làm việc với ITPC. Sau đó, họ quyết định ĐT vào lĩnh vực khách sạn.
Họ dự định, nếu tìm được đất sẽ xây dựng một số khách sạn lớn, cao cấp từ 5 đến 6 sao mà hiện nay TP đang rất thiếu. ITPC đã giới thiệu đoàn đến làm việc với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn. Sau đó, khi về nước, Trợ lý Thủ tướng Bahrain đã thông báo lại, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn mặc dù có đất nhưng không quyết được, phải chờ UBND TP. Qua câu chuyện này, ông Nghĩa đặt vấn đề, TP kêu gọi đầu tư, nhưng khi NĐT vào thì không có đất. Cũng theo ông Nghĩa, để lành mạnh hoá môi trường ĐT, TP cần phải công bố minh bạch bản đồ quỹ đất dành cho NĐT, không thể để tình trạng những NĐT chân chính, có nhu cầu thực sự, cần đất thì không thể với tới đất.
Ở một góc độ khác, ông Hoàng Anh Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Conic - cho rằng, mặc dù việc kinh doanh các cao ốc văn phòng đang rất nóng, sinh lời nhanh, nhưng để có đất xây dựng cao ốc văn phòng là chuyện không đơn giản. Quỹ đất thuộc sở hữu Nhà nước, giá cả phải chăng, nhưng quá khó tiếp cận. Trong khi đó, quỹ đất nằm trong tay tư nhân giá cả nằm trên trời. Ông Dũng cho biết thêm: "Công ty chúng tôi đã nhắm đến một số khu đất và được chủ đất đưa ra phương thức hợp tác kinh doanh văn phòng, nhưng tính đi tính lại thấy không hiệu quả. Phía chủ đất cho thuê đất trong 20 năm, phía Công ty xây dựng cao ốc và kinh doanh trong vòng 20 năm, sau đó tất cả tài sản trên đất thuộc về chủ đất".
Đất phải đấu giá, đấu thầu
Trong khi quỹ đất - đặc biệt là đất trong khu trung tâm hiện hữu - rất khan hiếm, nhưng một vài Công ty lại được giao một lúc vài dự án. Chẳng hạn như Bitexco được giao dự án khu Mả Lạng, khu tứ giác Lê Thị Hồng Gấm... mà không qua đấu thầu dự án... Các NĐT đặt vấn đề: Quỹ đất mặc dù khan hiếm với người này, nhưng lại dễ dàng với người khác. Ông Trần Thế Ngọc - GĐ Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM - cho rằng, sắp tới tình trạng này sẽ chấm dứt. Quỹ đất sẽ được đưa ra cho các NĐT đấu thầu hoặc đấu giá để giành quyền khai thác.
Ông Ngọc cũng cho biết thêm, hiện tại khu đất số 2 Đồng Khởi (diện tích hơn 6ha, hiện là trụ sở Sở Văn hoá - Thông tin) đã có 25 NĐT đăng ký đấu thầu khai thác... Về lâu dài, TP sẽ ban hành một chỉ thị về chấn chỉnh và tăng cường quản lý các dự án sử dụng đất trên địa bàn (hiện tại đã hoàn thiện dự thảo và đưa ra lấy ý kiến đóng góp).
Theo dự thảo chỉ thị này, tất cả quỹ đất thuộc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc các quy hoạch chi tiết chưa có quyết định thu hồi và giao đất cho NĐT đều phải công bố công khai để các NĐT có nhu cầu đăng ký sử dụng. Riêng đối với các dự án có quy mô từ 20ha trở lên, hoặc toạ lạc tại các vị trí quan trọng phải thông qua thường trực UBND TP. Khi chỉ thị này ra đời, quỹ đất dành cho NĐT và phương thức tiếp cận quyền sử dụng đất sẽ được minh bạch
Theo Lao Động