TPHCM: Nhà đầu tư "chê" vị trí xây bãi đậu xe

Cập nhật 28/03/2010 11:15

Ai cũng biết nhu cầu bãi đậu xe tại TPHCM là cực lớn, thế nhưng thật lạ là cung - cầu vẫn chưa gặp nhau. Phải chăng cớ sự này là do thị trường bãi đậu xe không có sức hấp dẫn giới đầu tư?

Ai cũng biết nhu cầu bãi đậu xe tại TPHCM là cực lớn, thế nhưng thật lạ là cung - cầu vẫn chưa gặp nhau. Phải chăng cớ sự này là do thị trường bãi đậu xe không có sức hấp dẫn giới đầu tư?


Vỉa hè trên các tuyến phố luôn “kín” xe, “đẩy” người đi bộ xuống lòng đường.

Ngao ngán tìm chỗ gửi xe

Mỗi khi vào trung tâm thành phố, mọi người lắm phen phải “méo” mặt chỉ vì chuyện bãi giữ xe. Anh Hoàng Minh Thắng (quận Thủ Đức) than: “Mỗi lần đi họp ở trung tâm tôi ngán nhất là tìm chỗ đậu xe. Bãi giữ xe thì xa chỗ họp, phải đi bộ hơn 1 cây số. Nhiều lúc phải chạy vòng vòng cả tiếng mới gửi được xe, đã thế còn bị khống chế giờ ra lấy”.

Chị Hoàng Thị Yến (quận Bình Thạnh) lắc đầu ngán ngẩm mỗi khi tìm chỗ gửi chiếc xe Majesty: “Hôm trước dự hội nghị tại đường Lê Duẩn, vừa tạt vào một điểm giữ xe, người nhân viên liền chỉ tấm bảng “không giữ xe to”. Gặng hỏi thì họ giải thích xe của tôi to quá, chiếm diện tích lớn mà giá gửi không nhiều hơn nên không nhận”.

Những người hay vào trung tâm thành phố đều rút ra “kinh nghiệm”: phải trừ hao thời gian tìm chỗ gửi, khách hàng luôn lệ thuộc vào người trông xe, chấp nhận giá cao gấp mấy lần so với nơi khác…

Đa số bãi giữ xe hiện nay là sân bãi của khách sạn, trung tâm thương mại, vỉa hè... Trong khi đó, bến bãi đậu xe ô tô chủ yếu là dừng đậu trên các tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần công năng của lòng đường, vỉa hè và có thu phí hoặc tận dụng các khu đất trống vốn ít ỏi làm bãi giữ xe tạm.

Nhưng các hình thức lưu đậu xe như vậy chỉ là giải pháp tình thế. Bởi việc đậu xe trên lòng đường rất dễ gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Thế nhưng, đến thời điểm này vẫn chưa có bãi đậu xe ngầm, công cộng, chính quy nào hiện diện trên “thương trường” để phục vụ quý vị “thượng đế” (!).

Nhà đầu tư không “mặn” với bãi đậu xe?

Ngay từ năm 2005, UBND TP đã công bố quy hoạch 8 vị trí có thể xây dựng bãi đậu xe ngầm. Đó là công viên Lê Văn Tám, sân bóng đá Tao Đàn, công viên Chi Lăng, sân vận động Hoa Lư, công trường Lam Sơn, công viên Bách Tùng Diệp, khu vực số 116 Nguyễn Du (quận 1) và bờ sông Sài Gòn dọc theo bến Bạch Đằng và đường Nguyễn Huệ.

Tuy nhiên, sau đó 4 vị trí được rút lại, ngưng nghiên cứu xây dựng bãi đậu xe ngầm là công trường Lam Sơn, khu vực 116 Nguyễn Du, đường Nguyễn Huệ và công viên Bách Tùng Diệp.

Hiện chỉ có một số dự án bãi đậu xe ngầm được triển khai thực hiện, tiêu biểu là tại công viên Chi Lăng. Riêng mô hình bãi đậu xe nổi thì cách đây 1 năm, Công ty CP Ngôi Sao Sáng đã đề xuất xây dựng trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và đã được thành phố “thông qua” 3 vị trí, đoạn xung quanh Cầu Bông để nhà đầu tư khảo sát.

Công bằng mà nói, không phải giới đầu tư không “kết” thị trường bãi đậu xe. Nhưng họ “chùn tay” chủ yếu do không thỏa mãn về địa điểm. Hầu hết nhà đầu tư chỉ “khoái” những vị trí “đắc địa” ở trung tâm quận 1 nhưng lại không phù hợp quy hoạch chung của thành phố.

Trường hợp Công ty TNHH một thành viên đầu tư phát triển công nghiệp và vận tải (Tracodi) là ví dụ tiêu biểu. Ngày 23/3, Tracodi đã thuyết trình với Sở Giao thông Vận tải về việc xin được đầu tư bãi đậu xe nổi nhiều tầng. Cả 5 vị trí mà công ty đề xuất đều ở trung tâm thành phố, trong đó điểm mà Tracodi ưng nhất là công viên 23/9 thì hoàn toàn không có tính khả thi!

Việc Công ty Đông Dương xin đầu tư bãi đậu xe ngầm tại Công trường Lam Sơn (quận 1) cách đây không lâu lại gặp trở ngại theo một kiểu khác. Đông Dương bị buộc phải dừng dự án để tìm vị trí khác vì thành phố thay đổi quy hoạch: bãi đậu xe ngầm này nằm ngay tại vị trí sau này là nút giao của các tuyến metro số 1 và số 4.

Vụ “Bãi đậu xe ngầm Công trường Lam Sơn” lình xình suốt một thời gian dài mới yên. Cuối cùng, nhà đầu tư chỉ chịu chuyển sang vị trí mới kèm theo một loạt điều kiện, trong đó có nội dung: “Nếu sau này vì lý do gì đó, thành phố lại thay đổi quy hoạch ở khu đất này (Công trường Lam Sơn) thì Công ty Đông Dương phải được ưu tiên tham gia”. (!)

Có lẽ chính sự “tréo ngoe” này đã là một lời giải thích khá đầy đủ vì sao các dự án bãi đậu xe được thành phố đưa ra nhiều nhưng trên thực tế, chỉ có vài dự án trong giai đoạn… “khởi động”.

DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí