TPHCM, lượng xe tăng nhanh: Chưa có bãi đậu xe ngầm

Cập nhật 12/09/2007 15:00

Đã gần hai năm trôi qua kể từ khi UBND TPHCM ban hành Công văn 5903/UBND-ĐT hồi cuối năm 2005 với nội dung chấp thuận một loạt vị trí ...

Đã gần hai năm trôi qua kể từ khi UBND TPHCM ban hành Công văn 5903/UBND-ĐT hồi cuối năm 2005 với nội dung chấp thuận một loạt vị trí được quy hoạch đầu tư xây dựng bãi đậu xe ngầm.

Đến nay đã bước sang tháng 9-2007 nhưng trên địa bàn vẫn chưa hề có một bãi đậu xe ngầm nào cho dù xe ô tô, xe gắn máy 2 bánh ở TPHCM đang tăng lên nhanh chóng - nhu cầu về bãi đậu xe đang rất bức bách.

“Bóp bụng” cho đậu xe trên đường

Chiếu theo tinh thần của Công văn 5903/UBND-ĐT, gần một chục địa điểm được phép phát triển thành bãi đậu xe ngầm đều thuộc địa bàn quận 1 và đều có vị trí “đắc địa” với những cái tên thoạt nghe đã biết là “hàng xịn” như Công trường Lam Sơn, Công viên Chi Lăng, Công viên Bách Tùng Diệp, bờ sông Sài Gòn (dọc theo bến Bạch Đằng và đại lộ Nguyễn Huệ), chợ Bến Thành, Công viên Lê Văn Tám, sân vận động Hoa Lư, sân bóng đá Tao Đàn…

Cụm bãi đậu xe ngầm này được kỳ vọng cung cấp cho thành phố gần 150.000m2 làm nơi lưu đậu cho ngót nghét 8.000 xe ô tô và hơn 6.500 xe máy, trong đó – theo quy hoạch - bãi đậu xe ngầm dọc bờ sông Sài Gòn có sức chứa xe ô tô lớn nhất với khoảng 3.000 chỗ, còn bãi đậu xe ngầm ở sân bóng đá Tao Đàn dẫn đầu về sức chứa xe máy - khoảng 3.000 xe hai bánh.

Công bằng mà nói việc các cấp thẩm quyền phải tính tới phương án phát triển bãi đậu xe ngầm là hết sức chính đáng và cần thiết. Bởi vì “tấc đất, tấc vàng” hay nói chính xác hơn ở trong nội thành, đặc biệt các quận trung tâm hầu như không còn chỗ để làm bãi xe lộ thiên cổ điển trong khi nhu cầu lưu đậu cứ tăng dần theo năm tháng, tỷ lệ thuận với đà phát triển kinh tế, mức sống của người dân. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà tất cả các vị trí quy hoạch bãi đậu xe ngầm đều rơi vào quận 1.

Đây vừa là quận “mặt tiền” của TPHCM - nơi tập trung rất nhiều cơ quan, công sở, văn phòng đại diện, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí… đang mất cân đối nghiêm trọng về cung - cầu chỗ lưu đậu xe con. Thống kê của Công an TP cho thấy chỉ riêng xe ô tô có nhu cầu dừng đậu thường xuyên trong khu vực quận 1 cũng đã khoảng 7.000 lượt xe/ngày đêm, thế nhưng khả năng tiếp nhận thực tế của địa phương này lại không quá 500 xe, tính ra đáp ứng chưa tới 10% nhu cầu.

Sự bất cập này dẫn tới một bất cập khác: chính quyền đã phải bị động đối phó dưới hình thức “linh động” cho phép xe con được lưu đậu tại nhiều nơi, trên lòng đường hoặc trên vỉa hè dọc theo nhiều con phố, “bóp bụng” tạm thời chấp nhận sự chưa ổn về mặt mỹ quan đô thị (xe đậu lòi thụt lố nhố trên hè phố, dưới lòng đường) lẫn tình trạng diện tích đường dành cho lưu thông (hoặc bộ hành) đã ít lại càng ít thêm!

Danh mục những tuyến đường bị “trưng dụng” vào mục đích cho phép ô tô lưu đậu có hoặc không có thu phí hiện nay khá dài: Bến Chương Dương (từ Tôn Thất Đạm - Hồ Tùng Mậu), Quảng trường Công xã Paris (đoạn Nguyễn Du - Nguyễn Văn Bình), Huyền Trân Công Chúa (Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Du), Hai Bà Trưng (Điện Biên Phủ - Võ Thị Sáu), Phạm Ngũ Lão (Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thị Nghĩa), Thi Sách (Nguyễn Siêu - Công trường Mê Linh), Ngô Đức Kế (Hồ Tùng Mậu - Công trường Mê Linh), Mạc Thị Bưởi (Nguyễn Huệ - Hai Bà Trưng), Chu Mạnh Trinh (Nguyễn Du - Lê Thánh Tôn)…

Vướng đủ thứ

Điều éo le ở chỗ ngoại trừ địa điểm tại 116 Nguyễn Du chưa có nhà đầu tư đề xuất và hai vị trí khác tại Công viên 23-9, chợ Bến Thành đang phải chờ hoàn tất quy hoạch khu vực theo chỉ đạo của UBND TP, toàn bộ các vị trí còn lại đều hấp dẫn giới đầu tư (thậm chí có địa điểm như Công viên Chi Lăng thu hút những 4 nhà đầu tư hay địa điểm dọc bờ sông Sài Gòn có 9 đơn vị muốn nhảy vào khai thác) nhưng vẫn giậm chân tại chỗ hoặc tiến với tốc độ… rùa bò.

Có nhiều lý do giải thích vì sao đến giờ TPHCM vẫn chưa hề có một bãi đậu xe ngầm nào trong số này đi vào hoạt động. Bãi đậu xe ngầm tại Công trường Lam Sơn đã được UBND TP cho chủ trương đầu tư từ tháng 9-2004 hiện đang được Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định thiết kế cơ sở cũng như đã được Sở GTCC thống nhất về cơ bản với phương án do Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề nghị là dùng tầng 1 làm khu vực chờ trước khi ra khỏi hầm. Thế nhưng giữa tháng 8 qua, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã chỉ ra một vướng mắc: còn phải cân đối với hành lang an toàn cho tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang trong giai đoạn nghiên cứu, thiết kế. Bãi đậu xe ngầm tại Công viên Chi Lăng thì lủng củng theo một cách khác.

Vị trí này có ít nhất 4 nhà đầu tư quan tâm là Công ty cổ phần Hòa Bình, Công ty IC, Công ty cổ phần Công trình ngầm thông minh và Công ty VinCom. Cuối năm 2005 Sở GTCC đã có công văn gửi lãnh đạo thành phố kiến nghị chủ trương cho Công ty Hòa Bình thực hiện nhưng sang đến đầu năm nay thì UBND TP gút lại giao cho Công ty VinCom làm chủ đầu tư.

Hiện VinCom đang dừng lại ở bước khảo sát lập dự án. Tại vị trí Công viên Lê Văn Tám xem ra khá hơn khi đã được Bộ Xây dựng có ý kiến thẩm định thiết kế cơ sở, dự án đầu tư cũng đã được chủ đầu tư đề xuất là Công ty cổ phần Phát triển không gian ngầm trình lên Sở Kế hoạch - Đầu tư, đồng thời sở này đã có báo cáo tổng hợp ý kiến các sở ngành trình lên lãnh đạo thành phố.

Vấn đề hiện nay là chủ đầu tư phải nghiên cứu lại phương án bảo tồn cây xanh tại khuôn viên công viên Lê Văn Tám theo yêu cầu của Sở GTCC. Bãi xe ngầm quy hoạch dọc bờ sông Sài Gòn lại chỉ đang ở khâu chuẩn bị tổ chức đấu thầu chọn ra nhà đầu tư duy nhất, trong số 9 đơn vị nộp đơn xin tham gia khai thác. Hồ sơ mời thầu đã được Sở GTCC trình lên UBND TP, chờ thông qua. Lãnh đạo thành phố cũng vừa lưu ý Sở GTCC và Sở Quy hoạch - Kiến trúc xem xét lại quy mô dự án, đảm bảo không xảy ra ùn tắc giao thông khi bãi đậu xe ngầm đi vào hoạt động. Vấn đề này đang được Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 thụ lý.

Bao giờ TPHCM có bãi đậu xe ngầm? Một câu hỏi và rất nhiều người có trách nhiệm cũng chưa thể trả lời rõ ràng.

Tại TPHCM, 7 tháng đầu năm nay lượng xe ô tô các loại đăng ký mới là 15.380 chiếc, tăng hơn 5.100 chiếc so với cùng kỳ năm trước đó, nâng tổng số xe ô tô biển số thành phố lên thành 315.448 chiếc. Riêng trong tháng 7, lượng đăng ký mới là gần 3.000 chiếc, tăng 1.099 chiếc so với cùng kỳ. Dự báo của Phòng CSGT đường bộ - Công an TPHCM, từ nay đến cuối năm lượng xe ô tô đăng ký mới ước khoảng 10.500 chiếc.


Theo Sài Gòn Giải Phóng