Năm 2010 là năm cuối TP.HCM thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2006 – 2010 và cũng là năm tiền đề để bước vào kế hoạch 5 năm 2010 – 2015, vì vậy nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển của thành phố trong năm 2010 là rất lớn.
Năm 2010 là năm cuối TP.HCM thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2006 – 2010 và cũng là năm tiền đề để bước vào kế hoạch 5 năm 2010 – 2015, vì vậy nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển của thành phố trong năm 2010 là rất lớn.
Thực tế luôn vượt dự kiến
Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 10% trở lên và để đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật – xã hội TP.HCM, dự kiến tổng số vốn đầu tư phát triển của thành phố phải đạt từ 172.000 tỷ đồng trở lên, trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách chiếm 15% tổng số vốn đầu tư trên địa bàn, tức phải đạt khoảng 25.800 tỷ đồng, tăng 39,58% so với năm 2009.
Tuy nhiên, đến nay, UBND TP.HCM cho biết, sau khi rà soát kỹ khả năng giải ngân vốn đến hết ngày 31/1/2010, các sở, ngành, quận huyện và các chủ đầu tư đã báo cáo lại với Sở Kế hoạch – Đầu tư về nhu cầu vốn đầu tư trong năm 2010 lên đến gần 33.666 tỷ đồng. Như vậy, so với con số 25.800 tỷ đồng như dự kiến trước đó thì con số cần phải đội lên tới 7.866 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính của nhu cầu vốn tăng chênh lệch đó là kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 Bến Thành – Tham Lương phải cần tới một số tiền khổng lồ.
Khả năng cân đối hạn hẹp
Thực tế, tổng nguồn vốn ngân sách mà TP.HCM có thể giải ngân cho đầu tư phát triển trong năm 2010 chỉ là 14.044 tỷ đồng. Số vốn đó lấy từ các khoản thu như: cân đối trong dự toán chi ngân sách 6.044 tỷ đồng, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 700 tỷ đồng, nguồn vượt thu tiền sử dụng đất và thuê đất năm 2010 là 1.000 tỷ đồng, thu từ đấu giá quyền sử dụng đất năm 2010 là 300 tỷ đồng, nguồn vay vốn nhàn rỗi KBNN 2.000 tỷ đồng, bố trí vốn ODA 4.000 tỷ đồng.
Như vậy, nếu so với tổng nhu cầu vốn chi cho đầu tư phát triển trong năm 2010 là 25.800 tỷ đồng thì thành phố sẽ phải thiếu hụt tới 11.756 tỷ đồng, tỉ lệ thiếu hụt chiếm tới 45,57% tổng nguồn vốn cần có.
Mặt khác, nếu so với tổng nhu cầu vốn đầu tư do các sở, ngành, quận huyện và các chủ đầu tư đề nghị là 33.666 tỷ đồng thì khả năng cân đối vốn của thành phố chỉ đạt 41,72% (14.044 tỷ đồng thực có so với 33.666 tỷ đồng cần có).
Bài toán nào cho phương án cân đối?
Với khả năng và nhu cầu cân đối vốn chi cho đầu tư phát triển của TP.HCM trong năm 2010 như trên, Sở Kế hoạch – Đầu tư đã trình UBND TP phương án bố trí kế hoạch giải ngân đợt 1 năm 2010 với tiêu chí là cắt bớt các khoản chi cho tất cả các dự án.
Cụ thể, dự án Xây dựng tuyến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 2 thay vì 6 tháng đầu năm 2010 dự kiến đầu tư 5.347,569 tỷ đồng sẽ rút xuống còn 3.524,3 tỷ đồng.
Thành phố cũng bố trí kế hoạch để sớm giải ngân vốn ODA và cân đối vốn ngân sách để đối ứng (cho 60 dự án) với tổng số vốn là 4.536,090 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn từ ODA chiếm tới 4.000 tỷ đồng và số còn lại sẽ được chi từ ngân sách thành phố.
TP.HCM sẽ thực hiện bố trí vốn đợt 1 năm 2010 theo nguyên tắc xuyên suốt là bố trí đủ nhu cầu vốn cho các dự án có khả năng hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2010, bố trí vốn theo tiến độ thực hiện các dự án hoàn thành sau tháng 6/2010 nhưng không vượt quá 50% nhu cầu vốn cả năm.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, các công trình chuyển tiếp từ năm 2009 và công trình khởi công mới trong năm 2010 lên tới 182 dự án, trong đó, số chuyển tiếp từ năm 2009 là 117 dự án với tổng vốn dự kiến sẽ bố trí thêm hơn 1.005 tỷ đồng.
Tất cả các công trình này cũng sẽ thực hiện giải ngân theo nguyên tắc trên. Riêng các công trình khởi công mới sẽ chỉ bố trí tối đa 30% giá trị các gói thầu để tạm ứng cho nhà thầu đối với các dự án hoàn thành sau tháng 6/2010 với tổng số vốn dự kiến gần 770 tỷ đồng.
Đối với những dự án chuẩn bị thực hiện trong tương lai, thành phố sẽ bố trí vốn theo tỷ lệ quy định để lập thiết kế dự toán, vốn bồi thường giải phóng mặt bằng chỉ được giải ngân theo tiến độ thực hiện (không giải ngân trước).
Theo các nhà phân tích, việc bố trí nguồn vốn mang tính “nhỏ giọt’’ sẽ giảm bớt tình trạng thất thoát và tham nhũng. Tuy nhiên, một số lại cho rằng, nếu giải ngân quá chậm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ thực hiện các công trình.
DiaOcOnline.vn - Theo Tổ Quốc