TP.HCM: Dự kiến nâng chuẩn về diện tích ở khi đăng kí thường trú

Cập nhật 25/03/2015 08:42

Theo dự thảo tờ trình của Sở Xây dựng và Công an TP.HCM xin ý kiến UBND TP.HCM về việc đề xuất quy định diện tích ở bình quân/người để áp dụng khi người dân đăng ký thường trú, diện tích ở bình quân/người để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân trên địa bàn là 16m²/người đối với địa bàn 19 quận và 8m² sàn/người đối 5 huyện.

Theo dự thảo tờ trình của Sở Xây dựng và Công an TP.HCM xin ý kiến UBND TP.HCM về việc đề xuất quy định diện tích ở bình quân/người để áp dụng khi người dân đăng ký thường trú, diện tích ở bình quân/người để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân trên địa bàn là 16m²/người đối với địa bàn 19 quận và 8m² sàn/người đối 5 huyện.


Nâng chuẩn về diện tích ở bình quân nhằm giảm áp lực về cơ sở hạ tầng xã hội tại các quận nội thành của TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Huế

Đây là diện tích ở bình quân chuẩn, không thuộc đối tượng phải hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Theo Công an TP.HCM, trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố có nhiều trường hợp người dân cho người khác thuê, mượn và nhập nhờ vào hộ khẩu, chỗ ở của mình để trục lợi hoặc cho nhập hộ khẩu vào cùng một chỗ ở nhưng không đảm bảo diện tích sàn tối thiểu trên đầu người theo quy định. Điều này đã tạo áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội.

Hiện tại, các quận nội thành đang đối mặt với áp lực tăng dân số nhanh, diện tích nhỏ nhưng có số lượng dân cư rất đông, mật độ dân số trung bình là 13.207 người/km², trong khi các huyện ngoại thành có diện tích lớn thì dân cư rất ít, mật độ dân số trung bình là 977 người/km².

Theo số liệu thống kê, TP.HCM hiện có khoảng gần 10 triệu dân. Việc mất cân đối về mật độ dân số đã ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững đô thị của thành phố. Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra chỉ tiêu về tổng diện tích nhà ở xây dựng mới trong 5 năm (2010 - 2015) đạt 39 triệu m², hướng tới diện tích nhà ở bình quân 17m²/người. Tính đến đầu năm 2015, thành phố đã phát triển được 24,5 triệu m² sàn xây dựng nhà ở, đạt 62,82% so với chỉ tiêu, và diện tích nhà ở bình quân 16,4m²/người.

Với mức tiêu chuẩn diện tích sàn sử dụng bình quân trên đầu người mà Sở Xây dựng và Công an TP.HCM đề xuất, nhiều ý kiến cho rằng một lượng lớn người lao động nhập cư sẽ không thể đăng ký thường trú tại TP.HCM.

Theo thống kê của Ban Quản lý khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN) TP.HCM, hiện thành phố có 268.801 lao động đang làm việc trong các KCX–KCN. Trong đó, trên 67% (180.602 lao động) đến từ các tỉnh, thành phố khác. Do vậy, nếu áp dụng điều kiện được thường trú, nơi nhập khẩu phải đảm bảo diện tích 16m²  đến 19m² thì người lao động khó có thể đáp ứng.

Mặt khác, theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, 95% nhà trọ trên địa bàn thành phố là do người dân xây dựng để kinh doanh đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người nhập cư để làm việc. Đa phần nhà trọ đều có diện tích nhỏ so với chuẩn từ 8 đến 16m²/người. Thực tế có nhiều hộ gia đình với nhân khẩu từ 7 đến 8 người sinh sống trong căn nhà chỉ khoảng 30 đến 40m².

Nếu theo quy định mới, không được đăng ký thường trú sẽ ảnh hưởng lớn tới quyền lợi và cơ hội của con cái người lao động ngoại tỉnh nhập cư trong việc tiếp cận cơ hội học tập, chăm sóc y tế, việc làm. Mặt khác, một tỷ lệ lớn người dân tạm trú không ổn định sẽ gây khó khăn trong quản lý cư trú và ổn định an ninh trật tự tại địa phương.

Ngoài ra, không chỉ người lao động nhập cư gặp khó trong việc đăng ký thường trú mà một bộ phận không nhỏ người dân thành phố cũng khó khăn khi áp dụng quy định. Có những gia đình thu nhập thấp, dù có nhà đất nhưng không có điều kiện để cơi nới nhà ở, vì vậy nhà ở chỉ rộng 40 đến 50m² nhưng có nhiều thế hệ cùng sinh sống. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, thành phố cần nghiên cứu kỹ trước khi ban hành mức chuẩn về diện tích ở bình quân cho phù hợp với tình hình thực tế.

DiaOcOnline.vn - Theo Hải quan