TP.HCM đối mặt với thách thức phát triển đô thị

Cập nhật 23/02/2011 10:10

Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển trở thành một đô thị bền vững.

Ảnh - Tuấn Anh
Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển trở thành một đô thị bền vững.

Nhận định trên được phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra tại Hội thảo khoa học “Các thành phố châu Á trong tiến trình toàn cầu hóa,” do Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển châu Á, Trường Đại học MEIJO (Nhật Bản) tổ chức ngày 22/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trọng Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh đang phấn đấu phát triển đô thị bền vững trong thế kỷ 21, trở thành một thành phố hiện đại, văn minh, đóng góp ngày càng tăng cho sự phát triển của khu vực phía Nam và cả nước.

Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như áp lực về quy mô dân số lớn và dân nhập cư đông; cơ sở hạ tầng đô thị cần có nhiều cải thiện; nguồn nhân lực với vấn đề việc làm; nhà ở đô thị; biến đổi khí hậu và nước biển dâng; chênh lệch mức sống và môi trường sống...

Trong vòng 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh liên tục tăng, kéo theo quá trình đô thị hóa cũng được mở rộng. Tuy nhiên, khả năng đầu tư cho đô thị chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của cư dân, số dự án dân cư thực sự đầu tư chỉ chiếm 25% tổng dự án đăng ký, dẫn đến tình trạng thừa dự án nhưng thiếu chỗ ở.

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trọng Hòa cho rằng, Luật Quy hoạch ra đời và có hiệu lực từ ngày 1/1/2010 đã mở ra giai đoạn mới cho công tác quy hoạch hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho lợi ích của toàn thành phố, tránh tình trạng phân cắt trong quy hoạch đô thị và có khả năng đối phó với nhiều thách thức từ chuyển biến môi trường phức tạp gây ra.

Sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo tồn các di tích lịch sử-văn hóa; sự phát triển này diễn ra cùng với sự xuất hiện của các trung tâm đô thị mới ở vùng ngoại vi, bảo tồn không gian xanh.

Mặt khác, Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần phải có một định chế quy hoạch cho vùng Thành phố Hồ Chí Minh, làm rõ quan hệ với các tỉnh lân cận trong việc phát triển đô thị, giải quyết các vấn đề chung như bảo vệ môi trường, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.

DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+