TPHCM: Dỡ rào chắn đường Nguyễn Huệ vào tháng 4-2015

Cập nhật 15/12/2014 13:45

Công trình xây dựng ga tàu điện ngầm Nhà hát Thành phố (thuộc tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên) nằm ở giao lộ đường Nguyễn Huệ và đường Lê Lợi quận 1 sẽ chuyển sang thi công ngầm từ tháng 2-2015. Nhưng do dự án nâng cấp đường Nguyễn Huệ vẫn thi công cho nên phải đến tháng 4-2015 khu vực này mới không còn rào chắn nữa.

Công trình xây dựng ga tàu điện ngầm Nhà hát Thành phố (thuộc tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên) nằm ở giao lộ đường Nguyễn Huệ và đường Lê Lợi quận 1 sẽ chuyển sang thi công ngầm từ tháng 2-2015. Nhưng do dự án nâng cấp đường Nguyễn Huệ vẫn thi công cho nên phải đến tháng 4-2015 khu vực này mới không còn rào chắn nữa.

Rào chắn phục vụ việc thi công nhà ga tàu điện ngầm ở giao lộ đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi - Ảnh: Anh Quân

Thời gian gần đây nhiều người dân làm việc tại quận 1 và thường xuyên đi qua khu vực giao lộ đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi rất quan tâm đến việc khi nào sẽ được đi lại bình thường qua khu vực này mà không bị rào chắn do thi công các công trình.

Theo kế hoạch của chính quyền TPHCM, dự án xây nhà ga tàu điện ngầm sẽ không còn rào chắn phía trên vào tháng 2-2015. Thông tin từ Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, hôm 12-12, các nhà thầu đã bắt đầu thi công sàn bê tông đầu tiên của ga tàu điện ngầm trước cửa Nhà hát Thành phố đoạn giao giữa đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi.

Dự kiến, đến ngày 15-2-2015 hạng mục thi công sàn bê tông sẽ hoàn thành để trả mặt bằng phía trên cho Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM) để thi công quảng trường đi bộ đường Nguyễn Huệ.

Sau khi đổ bê tông để trả mặt bằng phía trên, nhà thầu sẽ tiếp tục thi công ngầm dưới lòng đất. Như vậy, rào chắn khu vực vòng xoay Nguyễn Huệ-Lê Lợi có khả năng sẽ được tháo dỡ ngay trước Tết Nguyên đán Ất Mùi.

Tuy nhiên, do dự án nâng cấp đường Nguyễn Huệ vẫn đang tiến hành nên rào chắn hai bên đường Nguyễn Huệ vẫn tiếp tục được duy trì cho đến khi công trình hoàn tất, vào tháng 4-2015.

Ga ngầm nhà hát thành phố được thi công theo phương pháp top-down (làm tường vây và cọc chống trước, sau đó đào đất và thi công các sàn từ trên xuống) để giảm sụt lún.

Còn việc thi công đoạn hầm ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến Ba Son và đoạn từ Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố sẽ được khoan bằng máy ngầm dưới lòng đất. Máy khoan có đường kính bằng với kích thước đường kính hầm (6,05 mét) để khoan trong lòng đất ở độ sâu 15-30 mét.

Khi máy khoan đi đến đâu, vỏ hầm (là các tấm bê tông cốt thép lắp ghép) được đưa vào đến đó để tránh sụt lở đất phía trên. Việc khoan ngầm phía dưới sẽ không phải đào mặt đường nhiều, hạn chế tối đa việc di dời các công trình bên trên.

Ông Lê Khắc Huỳnh, Phó trưởng ban, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, sở dĩ phải thi công ga Nhà hát trước để hoàn thành đồng bộ với dự án xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và dự án nâng cấp đường Nguyễn Huệ vào tháng 4-2015.

Theo ông Huỳnh, nếu xây dựng ga tàu điện ngầm ở giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi mà làm chậm hơn dự án nâng cấp đường Nguyễn Huệ thì con đường mới làm xong lại phải đào lên, điều này gây lãng phí, ảnh hưởng đến việc đi lại, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp ở khu vực này.

Theo kế hoạch của Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, đoạn đi ngầm của tuyến metro số 1 từ Bến Thành đến Ba Son dự kiến hoàn thành vào năm 2017.

Như vậy, với việc thi công ngầm bên dưới, khu vực đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi sẽ không còn bị cản trở bởi việc thi công tuyến metro số 1. Khi đường Nguyễn Huệ được nâng cấp xong vào tháng 4-2015 người dân không còn phải chịu cảnh đi đường vòng như hiện nay.

Ga tàu điện ngầm trước cửa nhà hát TPHCM được thiết kế dài 190 mét, rộng 26 mét, nằm ở độ sâu 40 mét dưới lòng đất. Nhà ga gồm bốn tầng, trong đó tầng 1 sẽ đặt máy bán vé, cổng thu phí tự động, nhà vệ sinh, phòng hướng dẫn thông tin cho hành khách. Tầng 2 là sân ga, nơi có tàu dừng, đỗ để đón trả khách.

Tầng 3 là tầng trang thiết bị cho nhân viên ga, trung tâm kiểm soát thảm họa, khu vực nghỉ ngơi và các phòng thiết bị điện, máy điều hòa không khí và hệ thống thông gió, phòng cơ điện (hệ thống bơm nước thải), các ống thông gió của nhà ga. Tầng 4 là sân ga, nơi có tàu dừng, đỗ để đón trả khách.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG