TP.HCM định giá đất 22 dự án, dự kiến thu hơn 25.000 tỷ đồng trong quý IV/2024

Cập nhật 16/10/2024 10:59

Trong danh sách này, nguồn thu dự kiến từ dự án Khu phức hợp Lotte Eco Smart City của Tập đoàn Lotte chiếm hơn một nửa.

Trong danh sách này, nguồn thu dự kiến từ dự án Khu phức hợp Lotte Eco Smart City của Tập đoàn Lotte chiếm hơn một nửa.

Lotte Eco Smart City có tổng vốn đầu tư 20.100 tỷ đồng, được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 74.513 m2, trong đó diện tích phát triển dự án khoảng gần 50.000 m2 thuộc khu chức năng số 2A, Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM mới đây đã có văn bản gửi Thường trực Hội đồng Thẩm định giá đất cụ thể của Thành phố danh sách 22 dự án để định giá đất trong quý IV/2024.

Việc này nhằm đảm bảo dự toán thu ngân sách năm 2024 từ các khu đất dự kiến thu nghĩa vụ tài chính trên địa bàn Thành phố. Tổng số thu dự kiến từ 22 dự án này khoảng 25.483 tỷ đồng.

Đứng đầu trong danh sách này là dự án Khu phức hợp Lotte Eco Smart City của Tập đoàn Lotte, với mức thu dự kiến theo chứng thư thẩm định giá là 16.000 tỷ đồng. Dự án này được động thổ vào tháng 9/2022 do Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do gặp vướng về nghĩa vụ tài chính nên đến nay vẫn nằm im bất động.

Dự án lớn thứ hai là khu đất 14,8 ha phường An Phú, TP. Thủ Đức để thanh toán theo Hợp đồng BT dự án đường Song hành cao tốc Long Thành - Dầu Giây của Công ty cổ phần Bất động sản Nguyên Phương. Ước tính số tiền thu về từ dự án này là 3.5000 tỷ đồng theo chứng thư thẩm định giá.

Nằm trong nhóm dự án nghìn tỷ còn có khu đất số 230 đường Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1 của Công ty TNNH Bất động sản T.N.T Trung Thủy. Nghĩa vụ tài chính của dự án này dự kiến hơn 3.2000 tỷ đồng. Đơn vị tư vấn đang hoàn thiện chứng thư theo Nghị định 71.

Ngoài 3 dự án có nguồn thu trên nghìn tỷ, danh sách còn có những dự án thực hiện nghĩa vụ tài chính rất lớn như dự án khu dân cư cao tầng Diamond Riverside của Công ty Năm Bảy Bảy với số tiền dự kiến hơn 729 tỷ đồng; dự án của Công ty Hoàng Anh ở quận 7 có nghĩa vụ tài chính là 623 tỷ đồng, dự án của Công ty Phú Sơn Thuận ở quận 10 có số tiền sử dụng đất dự kiến là 281 tỷ đồng; dự án của Công ty Nhà Khang Phúc ở quận Bình Tân có nghĩa vụ tài chính 137 tỷ đồng…

Ngoài ra, một số dự án khác còn phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung như khu đất phường Bình Trưng Tây của công ty Bình Thiên An (146 tỷ đồng); khu đất tại đường số 3, phường Trường Thọ của Công ty Hưng Thịnh (136 tỷ đồng); khu đất số 256 – 258 đường Lý Thường Kiệt, quận 10 của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Sơn Thuận (281 tỷ đồng)…

Trước đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2024 về kinh tế - xã hội. Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu tập trung giải quyết các vướng mắc, tồn đọng của các dự án đầu tư.

Ông giao Văn phòng UBND Thành phố phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư (Thường trực tổ giải quyết vướng mắc) và Sở Xây dựng (Thường trực tổ giải quyết vướng mắc các dự án bất động sản) tổng hợp tháng 10, 11 và 12 sẽ giải quyết được bao nhiêu vấn đề, bao nhiêu dự án.

Ông yêu cầu cần phải liệt kê các dự án cụ thể phải giải quyết, trong đó tập trung các dự án ở Thủ Thiêm, Hiệp Phước. “Nếu giải quyết được nghĩa vụ tài chính cho các dự án lớn thì chúng ta sẽ thu hút vào đó một đó một dòng vốn đầu tư rất lớn, thậm chí là hàng chục nghìn tỷ đồng”, ông nói đồng thời cho rằng, từ nay đến cuối năm cần tập trung giải quyết các dự án lớn, không dàn trải.

DiaOcOnline.vn – Theo Báo đầu tư