TPHCM công bố Quyết định điều chỉnh quy hoạch giao thông

Cập nhật 29/06/2013 10:23

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, giao thông công cộng đảm nhận từ 20-25% thị phần, giao thông cá nhân đảm nhận từ 72-77%.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, giao thông công cộng đảm nhận từ 20-25% thị phần, giao thông cá nhân đảm nhận từ 72-77%.

Sáng nay (28/6), tại  thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải và UBND TP HCM tổ chức Hội nghị công bố quyết định 568 của Thủ tướng chính phủ về điều chỉnh Quy hoạch giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

Quyết định 568 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành 8/4/2013. Theo quyết định này, phát triển giao thông vận tải TP HCM phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của thành phố cũng như chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông quốc gia và của các địa phương có liên quan; đảm bảo giao thông thuận tiện giữa TP HCM với các đô thị vệ tinh trong khu vực, với cả nước và quốc tế.

Dự kiến quỹ đất dành cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông TP HCM đến năm 2020 khoảng 22.305 ha chiếm 22,3% quỹ đất xây dựng của Thành phố (Ảnh minh họa)

Phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, bền vững, hiện đại đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nâng cao chất lượng vận tải, chú trọng vào giao thông vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, hạn chế ô nhiễm môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến, đặc biệt là vận tải đa phương thức và logistics. Cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành...

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, giao thông công cộng đảm nhận từ 20-25% thị phần, giao thông cá nhân đảm nhận từ 72-77%. Cơ bản đầu tư hệ thống giao thông đường bộ chính: Trục đường hướng tâm, đường xuyên tâm và vành đai để đảm nhận vai trò vận tải trong nội thành và phân bổ giao thông từ nội - ngoại thành. Xây dựng từ 1- 2 tuyến đường bộ trên cao. Đường trục chính đô thị hiện hữu tiến hành cải tạo nâng cấp 90 - 100% phần mặt đường để tăng năng lực thông xe. Đầu tư xây dựng từ 2- 3 tuyến đường sắt đô thị để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách công cộng. Dự kiến quỹ đất dành cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông TP HCM đến năm 2020 khoảng 22.305 ha chiếm 22,3% quỹ đất xây dựng của Thành phố…

Ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho biết: “Chúng tôi rà soát tương đối kỹ và điều chỉnh, dự báo, điều tra một cách bài bản khoa học, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội, đưa ra kịch bản chi tiết và tương đối khả thi về đầu tư hạ tầng để đưa vào thực tiễn. Việc quy hoạch này phải bám vào cuộc sống, đưa ra điều chỉnh và bám đúng theo định hướng chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam, hoạch định với các đô thị loại 1 và đô thị đặc biệt”.

DiaOcOnline.vn - Theo VOV