TP.HCM có nơi lún nửa mét!

Cập nhật 09/12/2010 08:40

Theo Phòng Quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ (Sở Giao thông vận tải TP.HCM), do đặc thù của TP.HCM là số lượng công trình giao thông rất lớn trong khi lực lượng mỏng nên sở chỉ tập trung quản lý những công trình giao thông thuộc vốn ngân sách thuộc phạm quản lý của sở.

Ngày 8-12, tại TP.HCM diễn ra hội thảo “Quản lý chất lượng công trình xây dựng trong giai đoạn hội nhập” do Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức.

Theo Phòng Quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ (Sở Giao thông vận tải TP.HCM), do đặc thù của TP.HCM là số lượng công trình giao thông rất lớn trong khi lực lượng mỏng nên sở chỉ tập trung quản lý những công trình giao thông thuộc vốn ngân sách thuộc phạm quản lý của sở.

Ông Nguyễn Văn Hiệp - phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - cho biết trong năm 2010, tổng vốn đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố khoảng 170.000 tỉ đồng. Kế hoạch từ năm 2011-2015 TP.HCM sẽ đầu tư khoảng 1.400.000 tỉ đồng cho các dự án. Chiếm khoảng 25% trong số trên là từ vốn ngân sách. Tuy nhiên hiện chưa có quy định yêu cầu đánh giá hiệu quả về đầu tư công.


Dự án đại lộ đông - tây (TP.HCM), một trong những dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước - Ảnh minh họa của P.P.H.

Nhìn ở góc độ khác, kỹ sư Phan Phùng Sanh (Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM) cho rằng hiện nay nhiều khu vực tại TP.HCM đang bị lún và độ lún trung bình đo được từ 2-30cm, có nơi lún đến 50cm.

Điển hình trong các năm qua, quận Tân Phú, Gò Vấp, Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Nhà Bè… lún 7-10mm/năm, có nơi lún đến 15mm/năm. Lún thể hiện rõ qua các hiện tượng: các ống giếng khoan bị trồi lên, tường nhà bị nứt…

Mặt đất lún, nước biển dâng cao sẽ ảnh hưởng đến các công trình xây dựng, có thể làm hư hỏng công trình ngầm… Do vậy theo ông Sanh, TP.HCM cần phải quản lý chặt chẽ việc khai thác nước ngầm trái phép. Ước tính hiện nay việc khai thác nước ngầm ở TP.HCM khoảng 600.000m3/ngày, trong khi lượng nước bù lại chỉ khoảng 200.000 m3/ngày. Điều này làm cho mặt nước ngầm ở TP hạ thấp 0,5-0,8m/năm và mặt đất bị lún là điều khó tránh khỏi.

Bên cạnh đó cần quy hoạch lại các khu trung tâm TP.HCM và cắt giảm mật độ xây dựng xuống khoảng 35%, đất còn lại dành cho giao thông, cây xanh…

Ngoài ra ông Sanh đề nghị cơ quan chức năng TP.HCM nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng, nhất là những vật liệu nhẹ, bền vững hơn khi xây dựng nhà cao tầng ở trung tâm thành phố. Khi đó trọng lượng công trình có thể nhẹ hơn từ 20-30% so với vật liệu hiện nay, góp phần hạn chế tình trạng lún mặt đất…

DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO