TP.HCM cần "liệu pháp" triển khai nhanh dự án

Cập nhật 09/08/2010 16:20

Không ít dự án lớn tại TP.HCM đã được triển khai từ nhiều năm qua, nhưng nay vẫn chưa loay hoay trong công đoạn giải phóng mặt bằng.

Không ít dự án lớn tại TP.HCM đã được triển khai từ nhiều năm qua, nhưng nay vẫn chưa loay hoay trong công đoạn giải phóng mặt bằng.

Đặc biệt, Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã có quy hoạch từ năm 1996 (công bố quy hoạch năm 2006), nhưng đến thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn tất. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là Chương trình xây dựng 12.500 căn hộ tái định cư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn còn dang dở. Đó là chưa kể, các khu 50 ha tại Cát Lái, khu 90 ha tại Nam Rạch Chiếc (quận 2) vẫn đang chờ chủ trương và phê duyệt chi tiết. Trong khi đó, theo yêu cầu, đến cuối năm 2010 phải bàn giao mặt bằng cho Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cũng nổi tiếng với “tốc độ rùa” là Dự án Nâng cấp đô thị của Thành phố, được triển khai từ năm 2004, trải dài qua 13 quận, huyện. Mục tiêu của Dự án là nâng cao chất lượng cuộc sống của 96 khu dân cư có thu nhập thấp và cải thiện môi trường cho TP.HCM (nâng cấp hạ tầng tại các khu dân cư trong lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm). Song đến thời điểm này, nhiều quận, huyện mới bắt đầu bàn đến phương án đền bù tổng thể.

Trong khi đó, Dự án Khu tái định cư Tân Hòa Đông (quận 6) cũng mới triển khai sau 6 năm tìm phương án ứng vốn. Khu dân cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) đến cuối năm 2010 sẽ hoàn tất, nhưng sau đó còn phải chờ thẩm định giá cả các suất tái định cư...

Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM đánh giá, Dự án Nâng cấp đô thị là dự án lớn, nên việc kéo dài 6 – 7 năm không chỉ làm Thành phố mất uy tín với nhà tài trợ (Ngân hàng Thế giới – WB), mà còn khiến vốn đầu tư cho dự án ngày một tăng. Cụ thể, Dự án có tổng vốn đầu tư được phê duyệt ban đầu là 137,9 triệu USD, nhưng đến tháng 9/2009, đã tăng thêm 128,8 triệu USD, do bổ sung thêm dự án thành phần số 4. Thậm chí, theo đại diện Ban quản lý dự án này, tổng vốn đầu tư có thể còn tăng tiếp, do các dự án thành phần số 5, số 6 chưa có vốn và công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.

Thêm vào đó, Dự án thành phần số 2 (trong tổng số 9 dự án thành phần của Dự án Nâng cấp đô thị) mặc dù được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng vì ảnh hưởng đến 63 khu dân cư, nhưng hiện mới có 6/13 quận, huyện chi trả bồi thường, trong khi cam kết của UBND TP.HCM với WB là đến quý II/2010 sẽ bàn giao hoàn toàn mặt bằng cho Dự án.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM đánh giá, từ trước đến nay, việc trễ tiến độ là điều không mới đối với các dự án tại TP.HCM. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, sự thiếu nhất quán của chính quyền các quận, huyện trong chính sách đền bù cũng đã góp phần dẫn đến tình trạng trên. Chẳng hạn, tại Dự án Nâng cấp đô thị, một số trường hợp nhà xây trái phép vẫn được tính giá trị khi bố trí nhà tái định cư, gây tâm lý thắc mắc đối với người dân trong vùng bị giải tỏa.

Được biết, trong thập niên 60 của thế kỷ trước, để xây dựng một “Singapore xanh”, nước này đã thành lập một cơ quan phụ trách về tái định cư để giải quyết các vấn đề liên quan. Singapore đã tổ chức các khu tái định cư trước quyết định di dân và có biện pháp thực thi quyết liệt. Trong khi đó, tại TP.HCM, mặc dù mỗi dự án trọng điểm đều có ban quản lý, ban bồi thường riêng, nhưng hiệu quả hoạt động không cao.

Có thể thấy, tuy TP.HCM đã đẩy mạnh việc phân cấp và ủy quyền quản lý dự án đầu tư cho các sở, ngành, quận, huyện, nhưng thời gian hoàn tất thủ tục xây dựng cơ bản vẫn rất dài (thông thường phải mất 18 tháng để hoàn tất thủ tục các dự án nhóm C và 24 tháng đối với các dự án nhóm B). Bên cạnh đó, một số dự án đã giao cho địa phương đầu tư quản lý, như Dự án bờ tả sông Sài Gòn, nếu các doanh nghiệp không chấp thuận hợp tác, thì quận cũng không thể tiến hành cưỡng chế, mà phải xin chủ trương của Thành phố và ý kiến tham mưu các sở, ngành, dẫn đến kéo dài tiến độ thực hiện dự án…

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư