Hiện nay, tại TPHCM có rất nhiều dự án đất nền bỏ trống. Không ít dự án hoành tráng nhưng chỉ xây dựng lèo tèo được vài căn nhà còn lại cỏ mọc um tùm như những cánh đồng hoang giữa phố...
Hiện nay, tại TPHCM có rất nhiều dự án đất nền bỏ trống. Không ít dự án hoành tráng nhưng chỉ xây dựng lèo tèo được vài căn nhà còn lại cỏ mọc um tùm như những cánh đồng hoang giữa phố. Chúng như “những miếng da beo loang lổ” gây nhếch nhác cho bộ mặt đô thị và gây lãng phí về tài nguyên đất đai. Vì sao có hiện tượng này?
Đầu cơ, tội gì xây nhà!
Một dự án được giao đất từ năm 2007, tổng diện tích 6ha với số lượng trên 200 nền nhà, cơ sở hạ tầng đầy đủ, có công viên, hệ thống đèn chiếu sáng… nhưng đến nay chỉ xây dựng được vài căn nhà, đó là dự án đất nền khu dân cư Trường Thạnh 1, tọa lạc tại đường Tam Đa, phường Trường Thạnh, Q.9.
Cũng nằm ở Q.9, dự án khu đô thị mới Đông Tăng Long khá rộng nhưng cũng chỉ mới xây được một số ngôi nhà, còn lại là đất để trống. So với dự án Trường Thạnh 1 thì dự án Trường Thịnh (nằm trên đường Nguyễn Duy Trinh, Q.2) gần trung tâm thành phố hơn, lại nằm trên trục đường chính nối Q.2 và Q.9, vị trí đẹp và cơ sở hạ tầng (cống thoát nước, vỉa hè lát gạch, điện thắp sáng…) khá tốt.
Chủ đầu tư dự án này được giao đất đã lâu nhưng đến nay gần như bỏ trống. Một dự án khá rộng nằm liền kề đó cũng đang bị bỏ hoang, khiến cho tổng thể hai dự án ráp lại với nhau càng thêm “bao la”. Điều đáng nói là đi vào sâu bên trong, đường giáp ranh giữa 2 dự án là rác thải trông rất nhếch nhác.
Nằm cách ngã ba Đỗ Xuân Hợp - Nguyễn Duy Trinh (Q.2) không xa là một dự án khá hoành tráng khác: Khu dân cư Đông Thủ Thiêm (thuộc phường Bình Trưng Đông, Q.2). Phải thừa nhận dự án này khá đẹp, cơ sở hạ tầng tốt, đặc biệt là đường nội bộ rộng, thiết kế bài bản, thế nhưng vẫn vắng bóng những căn nhà.
Cũng nằm trên đường Đỗ Xuân Hợp, một dự án cũng trong tình trạng “đồng trống không nhà” là dự án khu nhà ở cao cấp Phước Long B. Dự án này đã có cơ sở hạ tầng nhưng đang bị xuống cấp do bỏ hoang lâu ngày…
Chúng tôi không có số liệu thống kê về các dự án “đồng hoang” nhưng qua khảo sát thì các dự án kiểu này nằm nhiều nhất ở các quận 2, quận 9, quận 7 (khu Nam Sài Gòn), Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức, quận 12, Bình Tân, Tân Phú…
Sở dĩ tình trạng này xảy ra nhiều năm nay, theo lý giải của tổng giám đốc một công ty địa ốc là do phần lớn đất nền đang bỏ trống hiện nay là nằm trong tay người đầu cơ, còn người mua với mục đích xây nhà ở thực sự rất ít.
Người mua đất để đầu cơ thì không dại gì xây nhà vì khó bán, để đất trống sang tay kiếm lời sướng hơn! Trong khi một số người sở hữu nền đất với nhu cầu để ở thật thì bức xúc trước tình trạng khi dự án được duyệt bao giờ cũng có nhiều hạng mục phúc lợi như công viên, khu thiếu nhi, trung tâm mua sắm, trường học… nhưng trên thực tế lại là “con số không”.
Giải pháp nào?
TS Đỗ Thị Loan - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản TPHCM - cho rằng, hiện nay, đối với đất nền dự án “góp phần” làm nên “hình ảnh da beo” của bộ mặt đô thị có 3 loại.
Thứ nhất, các dự án đất nền đã được bán từ lâu, có nơi bán cách đây 4 -5 năm nhưng đến nay người mua vẫn chưa được giao nền. Đối với trường hợp này, cơ quan chức năng cần có biện pháp chế tài để chủ đầu tư dự án giao đất cho người mua sớm xây nhà.
Thứ hai, các dự án đất nền đã hoàn thành nhưng người mua chưa có sổ đỏ. Đối với trường hợp này, chủ đầu tư cần phải hoàn tất thủ tục cấp sổ đỏ để người mua có thể xây nhà ở.
Thứ ba, các dự án cơ sở hạ tầng đã hoàn thiện tốt nhưng mật độ người mua xây nhà còn ít thì nên khuyến khích người sở hữu nền đất xây nhà. Mặt khác, các cơ quan chức năng có liên quan nên có những cuộc họp trực tiếp với các chủ đầu tư để tìm ra những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn mà chủ đầu tư đang gặp phải (nếu có).
Lãnh đạo thành phố cũng nên họp với từng quận để xem xét thực trạng đất nền đang bị bỏ trống trên địa bàn như thế nào. Bản thân từng quận phải khảo sát, có địa chỉ cụ thể để báo cáo. Sau khi đánh giá cụ thể thực trạng, cơ quan chức năng có thể ra thời hạn cho các chủ đầu tư thực thi lấp khoảng trống “cánh đồng hoang”.
Ông Lương Sỹ Khoa - Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Phú Gia - cho rằng không thể để tình trạng nền nhà bỏ trống kéo dài, vì như vậy sẽ gây lãng phí vô cùng. Muốn giải quyết được điều này phải có sự đồng bộ giữa Nhà nước và chủ đầu tư. Chủ đầu tư đầu tư cơ sở hạ tầng phải hoàn chỉnh, còn Nhà nước phải xây dựng cơ sở hạ tầng dân sinh như mở đường sá, trường học, bệnh viện, hệ thống điện - nước sinh hoạt, chợ, siêu thị… Có nhiều người đã mua nền đất muốn xây nhà nhưng do thiếu thốn cơ sở hạ tầng an sinh nên ngại “ở một mình”.
DiaOcOnline.vn - Theo SGGP 12 Giờ