TP.HCM: Bán suất tái định cư, cất nhà trái phép

Cập nhật 30/08/2007 09:00

Do chuyển từ lối sống nông thôn sang thành thị quá đột ngột, nhiều hộ dân không thích nghi được nên bán suất tái định cư rồi chọn một nơi nào đó cất nhà trái phép.

Do chuyển từ lối sống nông thôn sang thành thị quá đột ngột, nhiều hộ dân không thích nghi được nên bán suất tái định cư rồi chọn một nơi nào đó cất nhà trái phép.

Chiều 29/8, làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát về việc chấp hành luật pháp về đất đai tại TP.HCM, ông Lê Minh Huệ, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết, Bình Chánh có 93 trường hợp cất nhà trên đất nông nghiệp.

Nhiều trường hợp người dân cất nhà trước năm 1975 và đã sinh sống ổn định từ đó đến nay nhưng không tiến hành làm thủ tục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đến khi Nhà nước có nhu cầu thu hồi đất xây dựng cơ sở hạ tầng, người dân yêu cầu phải bồi thường theo giá đất thị trường cho diện tích nền nhà rộng hàng trăm mét vuông. Lãnh đạo huyện lúng túng và xin chủ trương của UBND TP.HCM nhưng cũng chưa có hướng giải quyết.

Trong khi nếu áp dụng giá bồi thường cho những dự án công ích, khung giá đền bù theo quy định của nhà nước đối với những hộ dân nói trên chỉ có mức giá từ từ 200.000 – 250.000đ/m2. Nếu so sánh với mức giá đền bù mà các chủ đầu tư dự án kinh doanh tự thương lượng với dân thì chêch lệch gần chục lần. “Chính vì sự bất hợp lý đó, người dân so bì, khiếu nại là chuyện thường tình” - ông Huệ nói.

Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Ngọc Tường cũng nêu lên thực trạng nhằm giảm bớt gánh nặng về quỹ đất tái định cư, UBND TP chủ trương hỗ trợ thêm 20% cho những hộ bị giải tỏa để những hộ dân này tự tìm nơi ở mới.



Một khu tái định cư cho người dân bị giải tỏa trong
 các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại huyện Bình Chánh.


Tuy nhiên, nhiều hộ dân sau khi nhận tiền đã ra ngoại thành mua đất giấy tờ tay rồi lập ra khu nhà xây dựng trái phép, khu ổ chuột mới.

Vì nhà xây trái phép nên địa phương phải cưỡng chế buộc tháo dỡ vô điều kiện. “Thế nhưng hôm nay đập, ngày mai họ xây lại. Có hộ xây lại đến 5 lần” - ông Tường nói. “Mỗi lần như thế, người dân cũng mất đứt từ 50 - 60 triệu đồng rồi còn gì. Họ nghèo nên mới xây nhà lậu”.

Ông Huệ bổ sung thêm: “Có nền tái định cư giao cho dân nhưng do chuyển từ lối sống nông thôn sang thành thị quá đột ngột nên nhiều hộ dân không thích nghi được liền bán suất tái định cư rồi chọn một nơi nào đó xây nhà lậu”.

Ghi nhận thực trạng nêu trên tại huyện Bình Chánh, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng Nghị định số 84/CP của Chính phủ khi ban hành được kỳ vọng là sẽ giải quyết hết những vướng mắc.

Tuy nhiên, khi tiếp xúc với nhiều địa phương, thực tế là vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại mà trong thời gian tới phải có cơ chế, chính sách điều chỉnh, không để tình trạng bất cập kéo dài. Ông Kiên nói Quốc hội rất cần ý kiến đóng góp của các địa phương để hoàn thiện chính sách.

Theo dự kiến của đoàn công tác, ngày 30/8, đoàn sẽ trực tiếp giám sát và có buổi làm việc với lãnh đạo quận 2 và quận 4.

Theo Trần Duy - Vietnamnet