Nhìn lại quá trình phát triển đô thị hơn mười năm qua tại TP.HCM, chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu về việc lựa chọn nhà đầu tư, cũng như để nhà đầu tư lựa chọn địa phương.
Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, một vị quan chức đã phát biểu: “Bất động sản nếu không được các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thì đất của chúng ta còn đó, sau này chúng ta sẽ đầu tư. Chính ta đầu tư cho dân ta, còn hơn những nhà tư bản nước ngoài đầu tư trục lợi.”
Chính quan niệm “còn đó để sau này” là một trong những nguyên nhân làm cho tài nguyên đất đai bị lãng phí.
Trên mảnh đất Nhà Bè ngập mặn và hoang hóa,
một phần diện tích đã trở thành đô thị kiểu mẫu.
Nhưng tại sao phần còn lại không được như vậy,
dù hàng chục năm đã qua.
Trong số 2.600 ha của đô thị Nam TP.HCM, chỉ có 460 giao cho liên doanh
Phú Mỹ Hưngđã nhanh chóng trở thành một đô thị hiện đại và cao cấp. Một diện tích khác, cũng được giao cho liên doanh, đã trở thành một đại lộ Nguyễn Văn Linh với 10 làn xe. Hầu hết diện tích còn lại vẫn “còn đó”, nhưng giá trị cũng như giá trị sử dụng thì khác rất nhiều.
Chúng ta có thể đặt một câu hỏi: tại sao cũng mặt đất đó, dưới bầu trời đó, cũng là công nhân xây dựng của Việt Nam, gạch đá và sắt thép Việt Nam, nhưng một phần đất lại tạo ra được giá trị gia tăng cao hơn hẳn những phần còn lại?
Giá trị của một bất động sản không chỉ đơn thuần là những gì ở bên trong căn nhà, mà tùy thuộc rất lớn vào môi trường sống. Trong đó, bao gồm kiến trúc tổng thể của cả khu vực, chất lượng của các công trình công cộng như đường sá, công viên, bệnh viện, trường học… Giá trị này cũng tùy thuộc vào uy tín và thương hiệu, cũng như năng lực thực hiện của nhà đầu tư.
Tất nhiên, giá trị này cũng phụ thuộc vào sự nghiêm chỉnh chấp hành quy hoạch của nhà đầu tư, cũng như vào ý đồ của nhà đầu tư. Họ thực sự có ý định đầu tư xây dựng, hay họ chỉ muốn đầu cơ một bãi đất trống để chờ cơ hội sang nhượng lại hưởng chênh lệch?
Doanh nhân nước ngoài
Trong xu thế toàn cầu hoá, Nhà nước ta đã sớm đổi mới tư duy kinh tế, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, một lượng lớn doanh nhân nước ngoài tham gia vào nền kinh tế ở mọi lĩnh vực. Đã là doanh nhân thì ai cũng đi tìm lợi nhuận. Nhưng phương thức tìm lợi nhuận mỗi người mỗi khác. Nếu chúng ta có một hệ thống quản lý tốt, thì lợi nhuận của doanh nghiệp nước ngoài sẽ đồng thuận với lợi ích quốc gia.
Qua các chương trình đầu tư của Công ty CT&D (là đối tác nước ngoài trong liên doanh Phú Mỹ Hưng), chúng ta đã nhận thấy được các đề án đầu tư trên không những tạo ra lợi nhuận cho nhà đầu tư mà đã góp phần to lớn trong việc phát triển kinh tế cho vùng đất Nhà Bè như ngày hôm nay.
Trong dự án này, nhà đầu tư nước ngoài không những đem lại vốn, thương hiệu, kỹ thuật, kinh nghiệm… mà còn đem lại một nét suy nghĩ mới về qui hoạch phát triển khu đô thị hiện đại ngang tầm với các nước tiên tiến trên thế giới.
Từ một đề án thành công chúng ta có thể nhân rộng ra đến các vùng đất khác, như vậy chúng ta khỏi phải tốn nhiều công sức mò mẫm, đó cũng chính là mục tiêu của việc mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài của nước ta.
Thành quả thu hút đầu tư nước ngoài không phải được tính bằng những con số vốn đầu tư mà người nước ngoài đem đến, hay chỉ là những con số đóng góp về tài chính mà nhà nước ta thu được qua thuế hay qua chia lãi trong liên doanh.
Quan trọng hơn hết là những chương trình đầu tư đó đem lại cho nền kinh tế cũng như cuộc sống của người dân xung quanh đề án đầu tư thay đổi ra sao, kết quả đó có thể nhân rộng ra như thế nào. Điều này đòi hỏi những người làm chính sách cũng như nhưng người trực tiếp thực hiện các đề án liên doanh tính toán hơn thiệt.
Với nhận thức này, những chương trình đầu tư của các nhà doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện trong các liên doanh đã nêu trên trở thành những mô hình đáng được chúng ta nghiên cứu rút kinh nghệm
Qua thực tế trong 15 năm chúng ta có thể thấy đã có được nhà đầu tư nước ngoài thật sự rất tầm cỡ, có tâm, quyết xây dựng một sự nghiệp để đời cho con cháu mai sau. Điều này đáng cho chúng ta thực sự trân trọng
>TP.HCM: Bài học chọn nhà đầu tư bất động sản (Phần 2).
Theo VietNamNet