TPHCM áp dụng cơ chế đặc biệt nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của người dân

Cập nhật 16/07/2009 09:05

Việc Hội đồng bán nhà quận 2 xét bán nhà theo NĐ 61/CP tại thời điểm này không ngoài mục đích là tạo thuận lợi cho các hộ dân ổn định cuộc sống và có điều kiện sửa chữa nhà, đồng thời đẩy nhanh tiến độ bán nhà...

Một góc Thủ Thiêm nhìn từ quận 1. Ảnh: Cao Thăng.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín vừa chủ trì hội nghị cùng lãnh đạo HĐND, MTTQVN TPHCM, các ban ngành tiếp xúc với các đảng viên Chi bộ khu phố 1, phường Bình An, quận 2. PV Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phó Chủ tịch về kết luận liên quan đến thắc mắc của một số người dân tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (ĐTMTT).

Cơ sở pháp lý: đảm bảo

* Thưa đồng chí, hiện nay khu phố 1, phường Bình An có nằm trong khu đô thị mới Thủ Thiêm để thu hồi đất hay không? Dựa vào các quy định pháp lý nào về quy hoạch để xác định ranh giới quy hoạch và thu hồi đất?

- Phó Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Trung Tín: Sau khi có Quyết định 367/TTg ngày 4-6-1996 của Thủ tướng Chính phủ thì khu ĐTMTT mới được nghiên cứu với nhiều quy mô và diện tích khác nhau (không có bản đồ đo đạc chính xác). Do vậy, theo bản đồ quy hoạch của Kiến trúc sư trưởng TP, có lúc khu ĐTMTT bao gồm một phần khu phố 1 phường Bình An, có lúc không bao gồm. Tuy nhiên, đến năm 1998, UBND TP có Văn bản số 2704/CV-UB-QLĐT ngày 20-7-1998 giao nhiệm vụ cho Kiến trúc sư trưởng TP (cũng là Ủy viên UBND TP) phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết (1/2.000) khu ĐTMTT để làm cơ sở pháp lý triển khai thực hiện quy hoạch.

Quyết định số 13585/KTST-QH của Kiến trúc sư trưởng TP có chi tiết nhầm lẫn (cụ thể về vị trí phía Bắc không giáp xa lộ Hà Nội và phía Đông giáp phần còn lại của xã An Khánh (huyện Thủ Đức cũ, nay thuộc phường Bình An quận 2). Nên sau đó, Kiến trúc sư trưởng có trình UBND TP xem xét điều chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết. Và bản điều chỉnh đó là cơ sở pháp lý sau cùng cho việc quy hoạch khu ĐTMTT. Trong đó xác định khu phố 1, phường Bình An, quận 2 nằm trong ranh thu hồi đất của khu ĐTMTT và mốc thời điểm xác định, thông báo quy hoạch là ngày 16-9-1998.

* Thưa đồng chí, vẫn có người thắc mắc về nội dung hai Công văn số 190/CP-NN ngày 22-2-2002 và Công văn 1642/CP-CN ngày 24-11-2003?

- Năm 2001, UBND TP có quyết định thành lập Ban Quản lý đầu tư - Xây dựng khu ĐTMTT, lúc này Kiến trúc sư trưởng TP (nay là Sở QH-KT) giữ vai trò phối hợp thực hiện, còn việc liên quan đến lập điều chỉnh quy hoạch liên quan đến đầu tư xây dựng do BQL này và Sở Địa chính - Nhà đất chủ trì thực hiện.

Ngày 4-1-2002, UBND TP trình Thủ tướng về thu hồi đất đền bù, giải tỏa, tái định cư khu ĐTMTT (văn bản này không có nội dung 160 ha đất TĐC thuộc phạm vi 5 phường). Ngày 22-2-2002, Thủ tướng có Văn bản 190/CP-NN cho phép UBND TP thu hồi 930 ha đất, bao gồm 770 ha để xây dựng khu ĐTMTT và 160 ha tái định cư tại 5 phường An Khánh, Bình An, Bình Khánh, An Lợi Đông và Thủ Thiêm (quận 2).

Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng, UBND TP đã tiến hành nhiều thủ tục liên quan đến việc thực hiện quy hoạch này. Sau đó, xét đề nghị của UBND TP, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 1642/CP-CN ngày 24-11-2003 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, chỉ định thầu tư vấn quy hoạch chi tiết khu ĐTMTT; giao Chủ tịch UBND TP xem xét, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung.

Dựa vào Văn bản 2055/BXD của Bộ Xây dựng ngày 7-12-2004 về thỏa thuận điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết tại khu ĐTMTT, UBND TP có Quyết định số 6565/QĐ-UBND ngày 27- 12- 2005 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung 1/500 khu đô thị mới này và Quyết định 6566/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết khu trung tâm ĐTMTT tỷ lệ 1/2.000 (thay thế Quyết định 13585/KTST-QH ngày 16-9-1998 của Kiến trúc sư trưởng TP).

Cụ thể, quyết định này xác định diện tích khu trung tâm ĐTMTT là 657 ha (không kể diện tích mặt nước sông Sài Gòn), còn 80 ha khu đô thị chỉnh trang thì đề nghị nghiên cứu mở rộng và được UBNDTP thống nhất (tức không thuộc ranh thu hồi đất của khu ĐTMTT).

Bố trí TĐC: đáp ứng đủ nhu cầu

* Như vậy, một trong những nguyên nhân khiến dự án khu ĐTMTT kéo dài, trì trệ và bị khiếu kiện cả chục năm qua là việc 160 ha TĐC đã được Chính phủ phê duyệt tại đây bị “biến mất”. Xin đồng chí cho biết vấn đề này như thế nào?

- Quyết định số 367/TTg ngày 4-6-1996 của Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ xác định quy mô khu dân cư TĐC 160 ha, không phê duyệt bản đồ quy hoạch. Trong thực tế, giai đoạn 1 phục vụ TĐC là dự án khu TĐC Thủ Thiêm 42 ha phường An Phú và Bình Khánh (cộng cả đất giao thông ngoại vi và rạch Cá Trê nhỏ nằm giữa khu 42ha thì có tổng diện tích 55,68ha).

Đến năm 2002, UBNDTP đã thu hồi và giao một phần khu 42ha trên (trong đó có 15,5 ha đất TĐC) đưa vào khu ĐTMTT, còn lại 17,3 ha ngoài ranh thuộc phường An Phú tiếp tục được quy hoạch làm khu TĐC phục vụ dự án Đại lộ Đông Tây và khu ĐTMTT. Như vậy, phần diện tích TĐC còn lại (160ha – 55,68ha = khoảng 104 ha). Giai đoạn 1997 - 2002 chưa có chủ trương xây dựng của UBNDTP.

Ngoài ranh giới khu ĐTMTT vào thời điểm 1996 - 2002, phần đất còn lại thuộc phường Bình An của khu ĐTMTT không được xác định làm khu TĐC vì nằm dọc đường Trần Não và Lương Định Của có dân cư hiện hữu đông (khoảng 119 ha) và có khoảng 14 dự án với tổng diện tích khoảng 26ha (chưa kể các dự án đã chấp thuận địa điểm) đã được giao đất trước Quyết định 367 của Chính phủ.

Phần đất còn lại thuộc phường Bình Khánh được xác định là khu quy hoạch ga Thủ Thiêm và chưa có đường giao thông tiếp cận nên cũng không được chọn làm khu TĐC. Theo bản đồ, phần đất còn lại trong phạm vi 5 phường ngoài ranh giới khu ĐTMTT là khoảng 240,4 ha. Như vậy, diện tích còn lại gồm cả đất giao thông và các rạch nhỏ là 240,4 ha – 119 ha – 26 ha – 17,7 ha thì còn khoảng 78,1 ha (thuộc phạm vi 5 phường), có vị trí phân tán rải rác không thể tập trung để đủ đất bố trí quy hoạch hoàn chỉnh khu 104 ha TĐC còn lại.

Sau công văn số 190 ngày 22-2-2002 của Chính phủ, UBNDTP đã có văn bản giao cho Sở Địa chính - Nhà đất (hiện là Sở TN-MT) và Kiến trúc sư trưởng TP chủ trì cùng UBND quận 2 xác định rõ địa điểm, diện tích và ranh giao đất của 930 ha (bao gồm 770 ha để xây dựng khu ĐTMTT và 160 ha để xây dựng khu TĐC), nếu thiếu thì cho phép điều chỉnh diện tích đất các dự án trên địa bàn quận 2 để đảm bảo đủ diện tích theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Từ năm 2002 đến nay, UBNDTP đã ký quyết định giao 6 khu đất tại các phường Bình Khánh, An Phú, Thạnh Mỹ Lợi và Cát Lái với tổng diện tích 164,5 ha để xây dựng khu TĐC khu ĐTMTT.

Từ phản ánh góp ý và để đáp ứng nguyện vọng của người dân, Thường trực Thành ủy và UBNDTP đã tập trung chỉ đạo khẩn trương xây dựng các khu TĐC với tổng số 12.500 căn hộ chung cư có tiêu chuẩn, đạt chất lượng cao nằm trong phạm vi 5 phường nhằm đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho người dân. Đồng thời quy hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng để bố trí TĐC bằng nền đất ngoài phạm vi 5 phường để đáp ứng nhu cầu TĐC của những người dân đủ điều kiện TĐC bằng nền đất.

Hỗ trợ để được lợi cho dân

* Vừa qua, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 06/2009/QĐ-UBND ngày 21-1-2009 về bồi thường, hỗ trợ thiệt hại TĐC trong khu quy hoạch xây dựng khu ĐTMTT. Tuy nhiên, nhiều ý kiến thắc mắc rằng tại sao không sử dụng từ “bồi thường” mà dùng từ “hỗ trợ giá”, thưa đồng chí?

- Căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và TĐC khu ĐTMTT là Quyết định thu hồi đất số 1997/QĐ-UB ngày 10-5-2002 của UBNDTP và quy định tại Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 24-4-1998 của Chính phủ và được cụ thể hóa tại Quyết định số 135/2002/QĐ-UB ngày 21-11-2002, Quyết định sửa đổi, bổ sung số 123/2006/QĐ-UBND ngày 16-8-2006 của UBNDTP. Do đó, không thể áp dụng quy định của Luật Đất đai năm 2003 (theo nguyên tắc luật bất hồi tố).

Khu ĐTMTT là công trình trọng điểm của TP, mang tính đòn bẩy nhằm tạo bước đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị của TP theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ VII và VIII. Do công trình có quy mô lớn, thời gian triển khai kéo dài, quá trình thực hiện có nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn, bao gồm việc thị trường BĐS có nhiều biến động nên Thành ủy và UBNDTP đã thống nhất chủ trương và chỉ đạo sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ và TĐC trong khu ĐTMTT với một cơ chế đặc biệt nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên cơ sở vận dụng tối đa chính sách bồi thường, hỗ trợ và TĐC theo quy định của Nhà nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân bị ảnh hưởng.

Cụ thể là điều chỉnh mức hỗ trợ giá chênh lệch đất ở trong trường hợp không nhận nhà, đất TĐC; các hộ dân chiếm dụng trên sông, kênh rạch trước ngày 15-10-1993 không đủ điều kiện bồi thường vẫn được xem xét bố trí TĐC. Kể cả những hộ dân lấn chiếm sau ngày 15-10-1993 vẫn được xem xét bố trí lại chỗ ở (trong khi các dự án khác không có chính sách này).

Theo quy định của pháp luật là bất hồi tố, nhưng ở khu ĐTMTT, việc sửa đổi, bổ sung chính sách đã được áp dụng cho toàn bộ các hộ dân bị ảnh hưởng. Vào cuối năm 2008 đầu năm 2009, thị trường BĐS có nhiều biến động, dẫn đến giá nền đất, căn hộ TĐC tăng cao so với giá nhà, đất tại thời điểm người dân nhận bồi thường. Do đó, để tạo điều kiện cho người dân có đất bị thu hồi có được cuộc sống tốt hơn hoặc ít nhất bằng nơi ở cũ, UBNDTP đã ban hành Quyết định 06 để hỗ trợ thêm cho người dân, do đó Quyết định 06 không sử dụng từ “bồi thường” mà sử dụng từ “hỗ trợ giá”.

Như vậy, do phải tuân thủ cơ sở pháp lý và để phù hợp với tình hình thực tế, TP đã chủ động điều chỉnh mức hỗ trợ, bổ sung nói trên mà không điều chỉnh giá đất nhằm tránh dắt dây và phát sinh phức tạp ở hàng trăm các dự án khác đang bồi thường dở dang trên địa bàn TP.

* Nhiều người dân phản ánh việc UBND quận 2 giải quyết bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo NĐ 61/CP của Chính phủ sau khi UBNDTP ban hành quyết định thu hồi và giao đất để xây dựng khu ĐTMTT. Đồng chí nghĩ sao về vấn đề này?

- Phản ánh của người dân về vấn đề trên là có thật.

Qua rà soát, có 45 trường hợp (phường Bình An 13 căn, phường Bình Khánh 23 căn, phường An Khánh 9 căn) nằm trong khu quy hoạch xây dựng khu ĐTMTT nhận được quyết định bán nhà theo NĐ 61/CP của Chính phủ sau khi TP đã có quyết định thu hồi và giao đất để xây dựng khu ĐTMTT.

Tuy nhiên, sau khi xem xét hồ sơ từng trường hợp cụ thể thì hầu hết các trường hợp trên đều nộp hồ sơ mua nhà theo NĐ 61/CP vào thời điểm từ năm 2000 - 2002 và được Hội đồng bán nhà quận xét bán trước khi UBNDTP ban hành quyết định thu hồi đất. Chỉ có 6 trường hợp xét bán sau ngày có quyết định thu hồi đất của UBNDTP.

Việc Hội đồng bán nhà quận 2 xét bán nhà theo NĐ 61/CP tại thời điểm này không ngoài mục đích là tạo thuận lợi cho các hộ dân ổn định cuộc sống và có điều kiện sửa chữa nhà, đồng thời đẩy nhanh tiến độ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP. Như vậy, việc UBND quận 2 ban hành quyết định bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước sau ngày TP ban hành quyết định thu hồi đất là có thiếu sót.

Trong ngày 16-7, lãnh đạo UBNDTP và các sở - ngành liên quan cùng với UBND quận 2 sẽ có buổi gặp gỡ với người dân để giải thích cặn kẽ chi tiết những vấn đề liên quan đến dự án khu ĐTMTT.

* Xin cảm ơn đồng chí!

 

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng