“Tha” thì phép nước không nghiêm, “đập” thì lãng phí...
Đã hơn hai tháng kể từ ngày Sở Xây dựng trình UBND TP dự thảo về xử lý nhà xây dựng trái phép sau ngày 1-7-2004 tại TP. Số phận của 11.000 căn nhà xây trái phép, sai phép vẫn chưa được quyết định. Theo tờ trình của Sở Xây dựng, những trường hợp xây dựng trái phép nếu phù hợp quy hoạch hiện hữu hoặc quy hoạch điều chỉnh thì được phép tồn tại và được cấp “giấy hồng”.
Có hai luồng ý kiến nhận xét về đề xuất của Sở Xây dựng: một bên thất vọng về sự nhân nhượng của TP; bên kia lại ủng hộ.
Nên tha vì... đập không xuể!
Một số quận vùng ven ủng hộ đề xuất cho hợp thức hóa số nhà xây trái phép trên. Các quận này cho biết là họ không xử lý nổi nếu nhà nước buộc phải đập bỏ hết số nhà xây trái phép.
Ông Phạm Văn Danh, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị quận Thủ Đức, cho biết không đủ lực lượng để xử lý hết số nhà xây trái phép. Ông đề nghị những nhà không vi phạm quy hoạch, không vi phạm lộ giới hoặc hành lang an toàn kênh rạch thì nên xem xét cho tồn tại. Quận Thủ Đức hiện có cả ngàn căn nhà xây không phép trong khu quy hoạch dân cư.
Nếu buộc người dân đập đi, rồi cấp giấy phép cho họ xây dựng lại nhà khác thì rất lãng phí. Đó là chưa kể việc cưỡng chế đập bỏ hàng loạt căn nhà sẽ tạo một sự xáo trộn rất lớn. Luật Xây dựng quy định những nhà xây dựng không phép sau ngày 1-7-2004 phải đập bỏ, tuy nhiên nên có ngoại lệ cho một thành phố đô thị hóa nhanh như TP.HCM.
Một khu nhà xây trái phép tại phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức.
Ông Trần Anh Khoa, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị quận Bình Tân, thì cho rằng nhà xây trái phép nhiều một phần do lỗi của chính quyền. Ở những quận vùng ven chưa có quy hoạch chi tiết nên người dân không xin phép xây dựng được. Quy định về tiền sử dụng đất hiện tại quá cao, nhiều người không đủ tiền đóng đành phải chấp nhận xây dựng không phép. Vì vậy, không thể để dân chịu thiệt hại một mình. Theo ông, sắp tới, khi phủ kín quy hoạch chi tiết thì chắc chắn tình trạng xây dựng không phép sẽ không còn tái diễn nữa.
Các vị trên đều cho rằng nên “tha” lần này là lần cuối cùng. Hiện tại, cơ quan chức năng đã có cách kiểm soát xây dựng trái phép nên sẽ không có tình trạng lần sau vi phạm lại xin tha nữa. Bằng chứng là từ tháng 5-2007 đến nay, quận Thủ Đức đã ngăn chặn được tình trạng xây dựng nhà trái phép vi phạm lộ giới, hành lang kênh rạch...
Không “tha” được Phía ủng hộ hướng cần xử lý đúng luật, buộc tháo dỡ đối với tất cả những nhà xây sai phép, trái phép là các quận nội thành như quận 1, 3, 10, Tân Phú, Gò Vấp... Một cán bộ Phòng Quản lý đô thị quận khẳng định: “Luật Xây dựng đã có hiệu lực, không có lý do gì để TP xé rào, tiếp tục tha cho nhà xây sai phép, trái phép”. Việc lùi thời hạn xử lý nhà vi phạm xây dựng chỉ làm cho người dân đâm ra “lờn thuốc”, xem thường sự quản lý nhà nước.
Ông Đỗ Anh Khang, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Gò Vấp, cũng cho rằng không thể lấy lý do thiếu quy hoạch chi tiết để vô hiệu hóa Luật Xây dựng. Theo quy định, những vùng nào chưa có quy hoạch thì vẫn phải cấp giấy phép xây dựng. Khi có quy hoạch cụ thể, nhà nước thu hồi đất làm công trình công cộng thì phải bồi thường cho người dân. Phường, quận nào để xảy ra xây dựng trái phép nhiều, không quản lý nổi thì cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm.
Ông cho biết quận Gò Vấp đã siết chặt quản lý xây dựng trái phép từ ngày 22-4-2002 (ngày Chỉ thị 08 của TP có hiệu lực). Hiện tại, việc xây dựng trái phép ở Gò Vấp đã được kiểm soát. Cái chính là các phường phải thông tin kịp thời, phường không đủ thẩm quyền xử lý thì phải báo cáo ngay để quận xử lý.
Được biết, Bộ Xây dựng đã có ý kiến không đồng tình với việc cho phép tồn tại nhà xây dựng sai phép, trái phép sau ngày Luật Xây dựng có hiệu lực. Sở Xây dựng TP đã chỉ đạo các quận, huyện thống kê những trường hợp có giấy phép xây dựng nhưng xây sai phép sau 1-7-2004. Theo một cán bộ Sở Xây dựng, sẽ có hướng dẫn xử lý riêng cho những trường hợp xây dựng sai phép, tránh để tình trạng phần nhà hợp pháp của người dân bị “vạ lây” theo phần xây dựng sai phép.
Theo Pháp Luật