TP. Hồ Chí Minh: Siết chặt kinh doanh bất động sản

Cập nhật 01/07/2014 08:56

Để chấm dứt tình trạng dự án nằm đắp chiếu, UBND TP. Hồ Chí Minh đang lập kế hoạch thu hồi nhiều dự án chậm tiến độ, đồng thời buộc các chủ đầu tư phải ký quỹ trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư bất động sản.

Để chấm dứt tình trạng dự án nằm đắp chiếu, UBND TP. Hồ Chí Minh đang lập kế hoạch thu hồi nhiều dự án chậm tiến độ, đồng thời buộc các chủ đầu tư phải ký quỹ trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư bất động sản.

Cần mạnh tay với những dự án bất động sản xây dựng dở dang

Chính quyền cương quyết

Theo Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh, hiện thành phố có khoảng 600 dự án bất động sản (BĐS) sau khi xin giấy phép xây dựng đã bị “phơi sương” triền miên theo năm tháng.

Đơn cử như dự án Khu đô thị Đông Tăng Long (quận 9) do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư. Với diện tích hơn 159 ha, dự án được khởi công từ năm 2005 và từng được coi là dự án trọng điểm của quận 9. Tuy nhiên, dù đã được đầu tư hạ tầng nhưng đến nay, dự án vẫn chỉ là một khu đất trống bạt ngàn cỏ hoang, lác đác vài căn nhà xiêu vẹo mọc lên.

Dự án Đảo Kim Cương tại quận 2 cũng được thành phố dành cho một diện tích đất khá tốt để triển khai các hạng mục đầu tư từ nhiều năm qua, nhưng đến nay chủ đầu tư cũng chỉ hoàn thành một block chung cư, còn nhiều diện tích đất đang bị bỏ hoang rất lãng phí. Tương tự, hàng loạt dự án đất nền khu vực Thạnh Mỹ Lợi, Giồng Ông Tố (quận 2) dù đã triển khai hơn 10 năm nhưng đến nay vẫn là những bãi đất trống cỏ mọc um tùm.

Chủ trương của TP. Hồ Chí Minh là sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp có nhiệt huyết đầu tư tham gia vào thị trường BĐS, những dự án dở dang cần đẩy nhanh tiến độ để tạo quỹ nhà. Song, chính quyền cũng sẽ cương quyết thu hồi các dự án mà chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện.
 

Nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ của chủ đầu tư gây lãng phí và thiệt hại cho quỹ đất, UBND TP.Hồ Chí Minh sẽ siết chặt hơn trong việc áp dụng Nghị định 43/2014/NĐ-CP, trong đó có quy định buộc các chủ đầu tư phải ký quỹ trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư BĐS, áp dụng không chỉ ở lĩnh vực kinh doanh nhà ở, văn phòng cho thuê mà cả lĩnh vực đầu tư hạ tầng khu công nghiệp. Dự án có vốn càng cao thì số tiền ký quỹ sẽ càng lớn. Đồng thời, chủ đầu tư phải có bản cam kết tiến độ thực hiện dự án hết sức rõ ràng. Nếu dự án nào không triển khai đúng tiến độ thì dứt khoát sẽ bị mất tiền ký quỹ, buộc trả lại giấy chứng nhận đầu tư để thành phố kêu gọi nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện.

Ngoài việc áp dụng các quy định trên, UBND TP.Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát triệt để các dự án đã xin giấy phép từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa xây dựng xong để xử lý thu hồi hoặc hỗ trợ chủ đầu tư tiếp tục triển khai tùy theo từng trường hợp.

Doanh nghiệp lo lắng

Liên quan đến những quy định trên, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh - cho biết, việc thực hiện ký quỹ BĐS là bắt buộc, nhưng trong bối cảnh thị trường vẫn còn khó khăn như hiện nay, đó sẽ là một “đòn chí mạng” với các doanh nghiệp. Theo ông Châu, ký quỹ đồng nghĩa với việc doanh nghiệp lại phải vay nợ và trả lãi. Ngoài ra, quy định này vô hình trung còn khiến giá BĐS tăng lên chứ không giảm xuống như kỳ vọng.

Ông Nguyễn Văn Đực- Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành- cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp đang tháo chạy khỏi BĐS bằng cách chuyển nhượng dự án hoặc bán dự án với giá thấp. Việc TP.Hồ Chí Minh áp dụng quy định ký quỹ BĐS sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp, lý do: Hiện BĐS không bán được, doanh nghiệp không có tiền nên nếu phải ký quỹ thì sẽ phải vay tiếp, dẫn đến việc nợ chồng nợ…



DiaOcOnline.vn - Theo Công Thương