Tốt cho thị trường hay nhóm lợi ích?

Cập nhật 31/03/2014 08:48

Cụ thể hơn, Bộ kiến nghị Chính phủ yêu cầu các địa phương không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới trong năm 2014. Trong trường hợp đặc biệt, các địa phương phải thống nhất với Bộ và báo cáo xin ý kiến Thủ tướng.

Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ bộ giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản.

Cụ thể hơn, Bộ kiến nghị Chính phủ yêu cầu các địa phương không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới trong năm 2014. Trong trường hợp đặc biệt, các địa phương phải thống nhất với Bộ và báo cáo xin ý kiến Thủ tướng.


Các dự án đã được đầu tư ban đầu nhưng giờ lại không cho phép triển khai thì thiệt hại này ai chịu?

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, qua quá trình yêu cầu các địa phương rà soát các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở trên địa bàn cho thấy hiện có quá nhiều dự án được phê duyệt. Tính đến tháng 12.2013, cả nước có tới 4.015 dự án đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư ước tính lên tới gần 4,5 triệu tỉ đồng. Nguy cơ bội cung, theo Bộ Xây dựng, là có thật và đó là lý do Bộ đề xuất ngừng cấp phép các dự án bất động sản thương mại mới.

Nhưng đó không chỉ là số phận của các dự án sắp được cấp mà còn đối với cả những dự án đã triển khai bước đầu cũng có thể bị “tạm thời” cho chết. “Đối với các dự án đã giải phóng mặt bằng, nhưng không phù hợp với nhu cầu và kế hoạch phát triển của địa phương cũng tạm thời được điều chỉnh mục đích sử dụng đất có thời hạn và cho phép chủ đầu tư tổ chức khai thác kinh doanh tạm như bãi đỗ xe, kho hàng; không để đất trống và chỉ đầu tư tiếp khi được phép”, ông Dũng nhấn mạnh.

Một số chuyên gia cũng ủng hộ đề xuất này. Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện kho bất động sản giá cao tồn đọng gắn với nợ xấu của các ngân hàng thương mại rất lớn, vì vậy đề nghị ngừng triển khai xây mới nhà ở thương mại là cách can thiệp hợp lý.

Tuy vậy cũng có ý kiến phản đối từ phía những người trong cuộc. Trao đổi với NCĐT, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM và đồng thời là Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho rằng kiến nghị của Bộ Xây dựng là không hợp lý và có thể vi phạm nguyên tắc cạnh tranh của thị trường. Theo ông Đực, các chủ đầu tư dự án đã tốn nhiều công sức tiền của đầu tư ban đầu nhưng đến giờ lại không cho phép triển khai thì thiệt hại này ai chịu? Theo ông, nếu dự án nào phù hợp và mang lại lợi ích cho người dân thì không nên cấm.

Trên khía cạnh khác, ông Đực đặt ra nghi vấn, liệu quyết định này của Bộ Xây dựng có bảo vệ cho một nhóm nhà đầu tư nào đó, bảo vệ hàng tồn kho sẵn có với những căn hộ có diện tích lớn hay cao cấp. “Ai đã làm sai trước đây thì giờ phải chịu hậu quả. Nếu Bộ Xây dựng cấm các sản phẩm mới (và phù hợp) thì có lẽ đã đi ngược lại với nguyên tắc cạnh tranh của thị trường”, ông Đực nói.

Có thể nói quý I năm nay, ngành bất động sản tiếp tục là tâm điểm của thị trường với một loạt những động thái chính sách từ Nhà nước và từ các đối tượng có liên quan nhằm khơi thông sức ỳ của thị trường. Hồi đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định hạ lãi suất ưu đãi trong gói 30.000 tỉ hỗ trợ thị trường thêm 1 điểm phần trăm để đẩy mạnh lượng vốn cho vay.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành Thông tư 09 sửa đổi một số điều của thông tư 02/2013 về phân loại nợ xấu theo hướng lùi thời điểm áp dụng đến đầu năm sau cũng như cho phép các ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng. Đây là điều có lẽ sẽ khiến cho các ngân hàng và dĩ nhiên là nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản đang vật lộn với nợ nần nhẹ nhõm hẳn. Và từ đầu năm đến nay, 59/60 mã cổ phiếu bất động sản trên hai sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội đồng loạt tăng giá với tốc độ tăng ít nhất cũng hơn 10%.

Chưa dừng ở đó, mới đây thị trường lại tiếp tục nóng sốt với tin Ngân hàng Xây dựng Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Thiên Thanh công bố gói tín dụng liên kết giữa các ngân hàng với giá trị lên tới 50.000 tỉ đồng thông qua hình thức bơm vốn vào chuỗi liên kết 4 nhà gồm: nhà cung ứng vật liệu xây dựng, nhà sản xuất, nhà thầu và chủ đầu tư dự án. Nhưng động cơ thật sự đứng đằng sau gói tín dụng này là gì?

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng không nên ảo tưởng về gói 50.000 tỉ đồng. Doanh nghiệp được vay bao nhiêu, lãi suất thế nào hoàn toàn phụ thuộc thỏa thuận với ngân hàng. Ông cũng đặt ra câu hỏi là mục tiêu của đơn vị tổ chức là gì. Theo ông Châu, nếu để giảm giá bất động sản rất đáng hoan nghênh, còn nếu đơn vị tổ chức đặt lợi nhuận đầu tiên thì việc độc quyền và lợi ích nhóm là không tránh khỏi. Điều này có thể sẽ làm méo mó thị trường bất động sản vốn đang khó khăn.

DiaOcOnline.vn - Theo Nhịp cầu Đầu tư