Tồn kho bất động sản tiếp tục tăng cao

Cập nhật 10/05/2013 13:37

Tính đến hết tháng 3/2013, lượng căn hộ tồn kho đã tăng lên đến 20%, tương đương 33.852 căn hộ, đất nền tồn kho hơn 1 triệu m2.

Tính đến hết tháng 3/2013, lượng căn hộ tồn kho đã tăng lên đến 20%, tương đương 33.852 căn hộ, đất nền tồn kho hơn 1 triệu m2.

Đại diệm một chủ đầu tư cho biết, do người dân vẫn có tâm lý chờ đợi, nên dù giảm giá mạnh vẫn không bán được hàng.

Con số trên vừa được ông Vũ Xuân Thiện, Cục phó Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết tại một hội thảo về bất động sản ngày 9/5.

Theo ông Thiện, nhìn chung thị trường bất động sản vẫn chưa có nhiều chuyển biến khả quan, lượng tồn kho căn hộ của các doanh nghiệp vẫn đang có xu hướng tăng cao. Còn theo báo cáo chính thức của Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2012, Tp.HCM và Hà Nội là hai địa phương có nhiều dự án bất động sản lớn, chiếm khoảng gần 50% thị trường cả nước.

Riêng ở Tp.HCM, trong 121 dự án đã tồn kho 14.816 căn nhà, 58.748m2 mặt bằng thương mại, 300.071m2 đất nền, giá trị tồn kho ước tính 30.242 tỷ đồng. Tại thị trường Hà Nội, theo báo cáo của 13 chủ đầu tư, đã tồn kho 5.875 căn nhà, 5.459m2 mặt bằng thương mại, văn phòng, giá trị tồn kho ước khoảng 14.070 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Xuân Thiện, số liệu trên chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, vì thống kê chỉ dựa trên bất động sản đã hình thành, hoàn thành chưa bán được, còn số lượng các dự án người dân đóng góp vốn nhưng chưa triển khai không được đưa vào, một số dự án giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng cũng không được tính.

Do vậy, theo ông Thiện, "chúng tôi chỉ gọi tạm là hàng tồn, số này lớn hơn rất nhiều lượng tồn kho đã báo cáo”.

Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, để gỡ khó cho thị trường, tính đến tháng 4/2013, các cơ quan quản lý đã đồng ý cho phép 50 chủ đầu tư dự án chuyển đổi 31.000 dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và Tp.HCM.

Lý giải cho việc ế ẩm của thị trường, tồn kho tăng cao, theo ông Lê Quốc Chính, Giám đốc phát triển dự án Daewoo Clever, là do người dân vẫn có tâm lý chờ đợi, nên dù giảm giá mạnh vẫn không bán được hàng

“Các doanh nghiệp bất động sản trong nước hiện nay vẫn bị tắc, nhiều chủ đầu tư phải cắt vào thịt để tự cứu mình trong bối cảnh thanh khoản vẫn chưa thể cải thiện. Chúng tôi chịu lỗ từ rất lâu rồi, tìm đủ cách nhưng khách hàng vẫn không mua, nên nhiều khả năng thị trường vẫn còn phải chứng kiến một đợt giảm giá nữa”, ông Chính nói.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy