"Tôi sẽ đề xuất chia Hà Đông thành... 2 quận"

Cập nhật 25/05/2009 11:20

Chính sách thì cần nhiều nhưng vấn đề là bộ máy hợp lý. Hoạch định chính sách không phải là không làm được, nhưng con người thực hiện chính sách mới quan trọng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) vừa trao đổi với PV VTC News xung quanh việc thành phố Hà Đông thành Quận của Hà Nội. Ông Đào nói: "Nó lớn quá, tôi nghĩ nên chia thành 2 quận thì phù hợp hơn"...

* Nhận định của ông khi Hà Đông thành Quận của thành phố Hà Nội?

Tôi cho đây là một việc làm bình thường theo luật định, Hiến pháp không quy định có "2 thành phố trong 1 thành phố". Đưa Hà Đông về thành Quận là đúng.

Tuy nhiên "nó" lớn quá, tôi nghĩ nên chia thành hai Quận thì phù hợp hơn, đứng ở vị thế một Quận thì nó to quá, sẽ bất hợp lý và quản lý rất khó. Vì năng lực của một Quận trưởng điều hành độ 200 nghìn dân khác với điều hành 400 - 500 nghìn dân. Khó chứ! Quyền lực còn phụ thuộc vào dân số.

* Ông sẽ đề xuất ý kiến này lên cấp có thẩm quyền chứ?

Tôi sẽ đề xuất.

Về luật định thì đúng, nhưng vì là Quận lớn nên cần tách thành 2 Quận. Theo tôi, bây giờ chưa tách bằng một quy định hành chính nhưng sắp tới nên tách thành 2 Quận cho tương đương về dân số giữa các quận trong nội thành Hà Nội.

* Theo ông, Hà Đông có được ưu ái về cơ chế chính sách hay dự án đầu tư khi thành Quận của Hà Nội không?

Khi nhập vào Hà Nội, như tôi hiểu là kích phát triển của khu vực lân cận Hà Nội lên thành khu vực phát triển gần với trung tâm hơn. Việc đầu tư cho quận là cần thiết.

* Người dân sẽ được thụ hưởng những gì khi thành công dân một quận của Hà Nội, theo ông?

Từ công dân một tỉnh bình thường trở thành công dân Thủ đô, người dân Hà Đông được thụ hưởng tất cả những gì như một công dân bình thường khác của Hà Nội. Ví dụ, biển số 33 cũng tương đương như biển số 29, không có gì phân biệt nữa (cười).

Tuy nhiên, trước đó họ là công dân của một tỉnh, công dân của TP Hà Đông có truyền thống văn hoá, lịch sử, giờ thành Quận tất nhiên họ có tâm tư. Báo chí nên giải thích: họ là công dân của Hà Đông nhưng trực thuộc Hà Nội - như thế vị thế sẽ khác hơn.

Nhưng quan trọng hơn là hãy nâng họ lên là một công dân Hà Nội thực thụ. Nhưng lại chưa có tiêu chí người Hà Nội là gì, để tránh sự khác biệt giữa những người dân Thủ đô.

* Vậy, người dân Hà Đông có khó khăn hơn khi hoà nhập với các quận khác của Thủ đô?



Một góc Hà Đông - Ảnh: Hoàng Dương.


Tôi không nhìn cái khó khăn ấy như một "cái gì" đáng quan tâm, vì họ ở đâu thì vị thế của họ vẫn vậy. Ví dụ họ ở Hà Đông hiện có 2 sào ruộng thì khi vào Hà Nội họ không thể có 2,1 sào. Vị thế về kinh tế - xã hội tôi cho rằng cũng không thay đổi.

Tôi quan tâm nhất khi nhập vào thì đâu là tiêu chí người Hà Nội? Chưa có tiêu chí Hà Nội thì đừng nên so sánh.

Ví dụ, người chăn bò ở Phú Xuyên gần 1 năm nay (từ khi sáp nhập) vẫn là một người chăn bò ở Phú Xuyên, dù họ được gọi là công dân Hà Nội - cái đó mới là cái đáng suy nghĩ cho chính quyền.

* Theo ông, TP Hà Nội nên có chính sách gì để hoà nhập chung giữa các quận?

Chính sách thì cần nhiều nhưng vấn đề là bộ máy hợp lý. Hoạch định chính sách không phải là không làm được, nhưng con người thực hiện chính sách mới quan trọng.

Hà Nội hiện nay đang cần một bộ máy.

* Xin cảm ơn ý kiến của ông!

Ngày 8/5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết thành lập quận Hà Đông và các phường trực thuộc. Theo đó, Quận Hà Đông có 4.791,74 ha diện tích tự nhiên và 198.687 nhân khẩu, có 17 đơn vị hành chính trực thuộc.


Bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội: "Việc Hà Đông từ TP chuyển thành Quận, có quy định thì cứ thế chấp hành. Hà Đông cũng bình đẳng như tất cả các quận khác, các quận khác đang thực hiện như thế nào thì Hà Đông thực hiện như thế. Tức là, hiện nay Hà Đông cũng hoà chung với các chính sách chung của các quận khác trên địa bàn Hà Nội".


DiaOcOnline.vn - Theo VTC News