"Tôi không tán thành xây dựng trục Thăng Long"

Cập nhật 14/06/2010 10:10

Nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ quan điểm cá nhân khi trao đổi với Đất Việt về Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bản đồ án quy hoạch này sẽ được Quốc hội đưa ra thảo luận ở hội trường vào sáng 15/6.

Nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ quan điểm cá nhân khi trao đổi với Đất Việt về Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bản đồ án quy hoạch này sẽ được Quốc hội đưa ra thảo luận ở hội trường vào sáng 15/6.

* Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân khẳng định trên truyền hình rằng không có chuyện chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì. Đồ án chỉ đưa ra ý tưởng dành đất dự trữ để sau năm 2050, có thể chuyển một số cơ quan hành chính lên đó. Ông bình luận gì về điều này?


Nhà sử học Dương Trung Quốc.
Tôi không biết có phải các nhà tư vấn đi theo cách tư duy của các thiết chế chính trị hiện đại không, tức là họ chỉ coi hành chính là dịch vụ công. Hiểu theo cách đó, cơ quan hành chính quốc gia có thể rời khu vực đô thị lõi vì khu vực này đang quá tải về mật độ xây dựng.

Hơn nữa, vùng lõi của Hà Nội vốn là lòng con sông cổ nên nền móng có thể không thích hợp với việc xây dựng những công trình lớn, đô thị hiện đại. Tất nhiên, trung tâm chính trị và văn hóa chắc chắn không bao giờ ra khỏi không gian của đô thị lõi. Theo cách giải thích của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân trên truyền hình, đây chỉ là ý tưởng duy trì quỹ đất dự trữ, chứ nếu di các cơ quan hành chính quốc gia lên Ba Vì ngay một lúc thì chắc không ai chấp nhận.

* Một số bộ, ngành đã và đang xây dựng trụ sở ở khu vực Mễ Trì - Mỹ Đình. Theo Đồ án, sau năm 2050 sẽ xây dựng các cơ quan Chính phủ ở Ba Vì, ông đánh giá thế nào về sự lãng phí?


Điều này thì phải giải thích rõ. Theo tôi hiểu thì đây là ý tưởng dự trữ đất thôi chứ không phải là chuyện trước mắt. Cho nên những gì họ đã và đang làm thì sẽ tiếp tục làm thôi. Cá nhân tôi chưa bao giờ cảm thấy chúng ta có thể thực hiện được cái gì ở tầm dài. Bởi chúng ta chưa có môi trường pháp lý để tất cả các ý tưởng, dù là tốt nhất, trở thành hiện thực. Nó vẫn bị những yếu tố tự phát, những lợi ích cục bộ chi phối. Cho nên tôi rất e ngại bàn chuyện 30, 40 năm nữa.

* Một vấn đề khác cũng đang được dư luận rất quan tâm là xây dựng trục Thăng Long. Nhiều người cho rằng xây dựng trục này là không cần thiết bởi hiện có khá nhiều trục song song với trục này như đường Láng - Hòa Lạc, quốc lộ 32. Quan điểm của ông ra sao?

Tôi có được các nhà tư vấn tham khảo ý kiến về vấn đề này. Ý tưởng ban đầu họ đưa ra xây dựng đường cảnh quan. Tôi rất tán thành ý tưởng này, nhưng không hiểu vì lý do gì, bây giờ nó lại thành một trục lộ. Trục lộ cũng có tác dụng của nó, như có thể tạo ra điểm nhấn, sự hoành tráng cần thiết với một thủ đô lớn.


Các đại biểu Quốc hội đang xem mô hình quy hoạch chung xây dựng Hà Nội được trưng bày tại Hội trường Bộ Quốc phòng. Ảnh: V.Trung.

Nhưng nếu không có các chế tài đi kèm thì việc xây dựng trục lộ này chỉ phục vụ lợi ích của những chủ sử dụng đất hai bên đường, sẽ kéo theo quá trình đô thị hóa không kiểm soát nổi, phá vỡ ý tưởng giữ được 70% diện tích đất tự nhiên là hành lang xanh, đánh mất đi nhiều giá trị di sản của đất Hà Nội và Hà Tây cũ… Những con đường đã và đang làm như Láng - Hòa Lạc, quốc lộ 32 trước mắt đáp ứng được yêu cầu rồi. Vì thế, tôi không tán thành việc xây dựng trục Thăng Long, tôi muốn trở lại ý tưởng ban đầu. Xây dựng con đường cảnh quan sẽ tạo ra được không gian bảo tồn, không gian xanh đúng nghĩa.

* Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng “có cái gì đó không bình thường”, có nhóm lợi ích nào đó tác động đến việc hình thành trục Thăng Long. Ông nghĩ sao?

Đứng về logic hình thức thì chắc chắn là thế, nhưng tôi không thể nói cụ thể được vì không biết chính xác. Con đường đó chắc chắn sẽ tạo ra được những giá trị cho hai bên đường và những giá trị ấy có thể phá vỡ quy hoạch nếu chúng ta không kiểm soát được nó.

Trong tư duy bất kỳ điều gì, chúng ta đừng bỏ qua các lợi ích. Lợi ích của các nhóm là rất bình thường nhưng không thể để nó trở thành lợi ích mang tính chất chi phối mà phải điều hòa được các lợi ích để tổng hòa của nó phải là lợi ích chung của xã hội. Đây là ý tưởng ban đầu cần thiết nhưng nó chỉ có giá trị hiện thực khi có hệ thống pháp lý để điều chỉnh những yếu tố có thể phá vỡ ý tưởng đó”.

Xin cảm ơn ông!


DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt